Trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến chuyện sự kiện bất khả kháng. Nhưng qua các comment và trao đổi, nhiều bạn lại bị nhầm lẫn giữa Sự kiện Bất Khả Kháng và Hoàn Cảnh thay đổi căn bản (“Hardship”). Hai sự kiện này có vẻ giống nhau, trên thực tế lại rất khác nhau về căn cứ, hậu quả pháp lý và cách ứng dụng vào Hợp đồng. bài viết này giải thích cho bạn ba (03) điểm khác biệt đó.
CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH
Sự kiện bất khả kháng
1. Sự kiện này xảy ra một cách khách
quan
2. Sự kiện không lường trước được
3. Sự kiện xảy ra mà không thể khắc
phục được dù bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép (Điều
156.1 BLDS 2015)
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ
các điều kiện sau đây:
1. Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên
nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng,
các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
3. Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu
như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết
nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
4. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng
mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một
bên;
5. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp
dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của
hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích - (Điều
420 BLDS).
Như vậy, dựa trên qui định của Điều
156.1 và Điều 420 BLDS 2015, mặc dù cả hai loại sự kiện này đều mang tính khách
quan và các bên không lường trước tại thời điểm kí hợp đồng nhưng có một đặc
tính mà Toà án hoặc Trọng tài sẽ đựa vào đó để xác định một sự kiện là BKK hay
Hardship. Đặc tính đó là: Các bên có thể tiếp tục thực hiện được nghĩa vụ của
mình hay không.
Nếu không thể thực hiện
được, dù đã làm mọi cách, thì đó là BKK.
Nếu vẫn thực hiện được,
nhưng làm cho một bên bị thiệt hại, vì chi phí tăng lên gấp nhiều lần chẳng hạn,
thì đó là Hardship.
Mẹo:
Hình dung một cách đơn giản khó khăn
có thể xảy ra ở 3 cấp độ: Cấp độ 1 - Các khó khăn mà bạn sẽ chịu một vài tổn thất
nhất định, Cấp độ 2 – Khó khăn rất lớn, bạn đã làm mọi cách rồi mà vẫn không
làm sao giảm được tổn thất về mình khi tiếp tục thực hiện hợp đồng, Cấp độ 3 –
Khó khăn là Vô cùng lớn, đã thử trăm phương ngàn kế rồi mà vẫn không có bất cứ
phương thức nào để thực hiện các nghĩa vụ của mình. Cấp độ 1 là một rủi ro
trong kinh doanh, bạn phải chịu. Cấp độ 2 là hardship, bạn có thể sẽ được thay
đổi các điều kiện hoặc chấm dứt hợp đồng (nếu thoả các điều kiện sau đây). Cấp
độ 3 là bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đã không thực hiện
nghĩa vụ.
HẬU QUẢ PHÁP LÝ
Khi xảy ra bất khả kháng, bên có
nghĩa vụ không phải bồi thường. Nhưng hậu quả của hardship lại hơi khác hơn một
chút. Theo qui định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 420 BLDS 2015:
Trong trường hợp hoàn cảnh
thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán
lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Trường hợp các bên không
thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một
trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
Chấm dứt hợp đồng tại
một thời điểm xác định;
Sửa đổi hợp đồng để
cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Hãy nhớ rằng, nếu các bên
không có thoả thuận khác thì trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng,
Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của
mình theo hợp đồng.
Có một case rất thú vị liên quan đến
Hardship xảy ra hồi tháng 5 năm 2021. Theo đó ngày 21-11-2017, CGV ký hợp đồng thuê mặt bằng tại tòa
nhà trung tâm thương mại Lapen Center (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của
Công ty Lapen, với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh rạp chiếu phim. Thời
hạn thuê là 20 năm. Vì xảy ra đại dịch, CGV đề nghị điều chỉnh cách tính tiền
thuê từ ngày 1-12-2020 đến 28-2-2021, tiền thuê được cố định ở mức 8% doanh thu
phòng vé để CGV vượt qua khó khăn hiện tại. Sau 3 tháng, các bên sẽ tiếp tục
đàm phán lại về cách thức tính tiền thuê và trong trường hợp không đạt được thỏa
thuận thì bất cứ bên nào cũng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không
phải chịu bồi thường hoặc khoản phạt nào, kể cả tiền cọc. Tuy nhiên, các bên
không thỏa thuận được.
[Nguồn: Rạp phim vắng khách vì
COVID-19, CGV kiện đòi hủy hợp đồng thuê mặt bằng, Tuoitre ngày 05.05.2021]
Đây
là một ứng biến tuyệt khéo của CGV. Hãy nhìn vào Điều 420.3 BLDS 2015:
Trường hợp các bên không
thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một
trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại
một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để
cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi
hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với
các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
CGV
khi không thoả thuận được họ có hai lựa chọn: (i) yêu cầu sửa đổi hợp đồng hoặc
(ii) yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Nhưng họ lại chọn phương án khá là khắc nghiệt
là yêu cầu chấm dứt. Với yêu cầu này, nó xảy ra hai khả năng:
Một
là: Bên cho thuê bắt buộc phải lựa chọn phương án phản tố
là yêu cầu sửa hợp đồng. Bởi nếu bên cho thuê không thực hiện điều này, thì toà
sẽ xem xét yêu cầu chấm dứt. Mặc dù trên thực tế, việc chấm dứt hay không, chưa
biết được, nhưng ít ra nó là yêu cầu duy nhất mà toà xử.
Hai là: Nếu chủ nhà không yêu cầu
phản tố, thì Điều 420.3 BLDS 2015 cũng ràng buộc rất ngặt nghèo là “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi
hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với
các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”.
Lựa chọn một địa điểm để thuê trong vòng 20 năm, xét về mặt busines có
cơ sở để tin rằng CGV đã lựa chọn thấu đáo. So với vị trí đó, chi phí đầu tư
ban đầu và việc tạo lập thói quan xem phim cho người dân tại khu vực, CGV sẽ được
lợi về mặt dài hạn. Cho nên, nếu giải quyết được chuyện giảm tiền nhà khi có đại
dịch, sẽ hay hơn là chấm dứt hợp đồng. Cái khéo léo của CGV đó là họ đã lựa chọn
phiên toà như là một cách để ép chủ nhà bước vào cuộc đàm phán giảm giá khi mà
chủ nhà không có thiện chí giảm giá.
ỨNG DỤNG VÀO SOẠN HỢP ĐỒNG
Có vài gợi ý để bạn ứng dụng hai điều khoản này vào việc soạn các hợp đồng
thương mại. Chúng tôi sẽ cập nhật trong kì sau. Nếu bạn quan tâm nhiều hơn về các
kỹ thuật soạn thảo hợp đồng, hãy tham gia khoá học Soạn Thảo Hợp Đồng Thương Mại
do TS. Phạm Hoài Huấn đảm trách.
Dạ thưa thầy em có ý kiến thế này.
Trả lờiXóaTrong vụ của CGV và Lapsen, thì nếu như Lapsen cố gắng kéo dài thời gian ra phán quyết của Tòa án (bằng bất kỳ cách nào) thì trong thời gian Tòa chưa ra phán quyết thì CGV vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Và khi tòa án ra phán quyết thì có lẽ dịch bệnh đã hết và khi này theo em bên thiệt chỉ có thể là CGV ạ.