Lời giới thiệu của anh Lâm Vũ Thao – Giám đốc Pháp lý Công ty Unilever Việt Nam
Khi thế hệ chúng tôi bước chân vào trường Luật – thời ấy là Phân hiệu Đại học Pháp lý TP. Hồ Chí Minh – vào đầu thập niên 90, khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân chỉ vừa mới hình thành. Hai đạo luật quan trọng mở đường cho sự hình thành các doanh nghiệp ngoài nhà nước là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đều mới được ban hành năm 1990. Với hầu hết người dân, những cụm từ “công ty cổ phần”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, thi thoảng nhìn thấy trên các biển hiệu hãy còn là những cụm từ lạ lẫm, và “cổ phiếu”, “cổ đông”, hay “cổ tức” chỉ là những khái niệm mơ hồ.
Với sinh viên luật khi ấy, học luật công ty cũng như đa phần các môn luật liên quan đến thương mại, chủ yếu chỉ trông cậy vào giáo trình và bài giảng của giảng viên. Sinh viên đến giảng đường trổ tài tốc ký để ghi được càng nhiều càng tốt, bởi lẽ các giảng viên đã nỗ lực mở rộng bài giảng của mình, đưa vào những tình huống thực tế còn ít ỏi để sinh viên có thể hiểu hơn những khái niệm pháp lý trừu tượng có thể trở thành những tranh chấp như thế nào trong thực tế. Ngoài ra, các nguồn tham khảo khác còn quá eo hẹp. Luật thì mới, cho nên sách về pháp lý bán ngoài các hiệu sách chủ yếu chỉ tập hợp lại luật và văn bản hướng dẫn thi hành, kèm theo một bài viết sơ lược mở đầu. Sinh viên cũng không được tiếp cận bản án, quyết định của tòa, một phần vì chưa có chủ trương công khai bản án, một phần vì tranh chấp hẳn còn ít. Vì vậy, sinh viên chủ yếu học “chay”, học luật chỉ dựa vào văn bản pháp lý, rất thiếu hình dung các quy định pháp lý đi từ văn bản đi vào thực tiễn sẽ có tác động ra sao, có thể tạo ra những trở ngại gì, điều chỉnh các mối quan hệ trong một pháp nhân như thế nào.
Vài năm sau khi tốt nghiệp trường luật tại Việt Nam, tôi có cơ hội được tiếp tục học sau đại học ở nước ngoài. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi vào trường là choáng váng: choáng váng vì cách tranh luận giữa sinh viên và giảng viên; choáng váng bởi những cơ sở dữ liệu khổng lồ cho phép sinh viên truy cập vào tất cả bản án của tòa án các cấp; choáng váng bởi những thư viện mênh mông tràn ngập sách tham khảo pháp lý các thể loại. Tôi đặc biệt chú ý tới loại sách bình luận án. Loại sách này có hai đặc điểm: một, là chọn lọc được những bản án quan trọng, có ảnh hưởng nhất trong một lĩnh vực pháp lý, và hai, là có phần bình luận án của tác giả, giúp người đọc hiểu thêm về vụ việc và những vấn đề pháp lý mà bản án đặt ra trong tương quan với những vụ việc tương tự hoặc có liên quan khác. Đọc án, rồi đọc bình luận án, xem các các thẩm phán lập luận, rồi xem tác giả phân tích những lập luận ấy, rồi lại đọc xem các tác giả khác đồng ý hay phản đối tác giả này như thế nào, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn các quy định pháp lý. Niềm mong ước lớn lao của cá nhân tôi ngày ấy là được đọc những cuốn sách tương tự như thế, viết về các đạo luật của Việt Nam, về các bản án và tranh chấp pháp lý ở Việt Nam.
Tính từ năm 1990 đến nay, thì khung pháp lý cho hoạt động của các công ty ở Việt Nam cũng đã đi những bước đi dài. Qua nhiều lần sửa đổi, thay mới, sáp nhập các luật với nhau, hiện tại điều chỉnh cho hoạt động của các công ty, không phân biệt khu vực kinh tế, là Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2020. Song song với sự phát triển khung pháp lý, các hoạt động nghiên cứu pháp lý cũng đa dạng và sâu hơn. Trong những năm gần đây, thể loại sách bình luận án do các tác giả Việt Nam soạn đã bắt đầu xuất hiện, và Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn là một con ong chăm chỉ của thể loại này. Anh đã viết, chủ biên hơn mười đầu sách pháp lý, trong đó có ba cuốn bình luận án, chưa kể hàng trăm bài báo phân tích các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn hoạt động, kinh doanh. Cuốn sách mà các bạn cầm trên tay, Quản trị Công ty thực chiến – bản án và bình luận, là đóng góp mới nhất của anh vào học thuật pháp lý với chủ đề luật công ty.
Trong cuốn sách này, Phạm Hoài Huấn đã sưu tập các bản án, quyết định liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau trong quản trị công ty, như tư cách cổ đông, quyền dự họp đại hội cổ đông, giao dịch giữa công ty và người có liên quan, vấn đề bầu, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị.v.v. Với từng bản án, tác giả tóm tắt bản án, trình bày lập luận của các bên, lập luận của tòa án các cấp, và từ đó đưa ra nhận định của mình. Trong phần nhận định, Phạm Hoài Huấn không ngần ngại đưa ra những quan điểm khác với cách xử lý của tòa và đề xuất những phương án mà anh cho là hợp lý hơn. Tôi hy vọng tòa án sẽ đọc lập luận của anh, và tôi cũng hy vọng sẽ có những tác giả khác tranh luận lại với quan điểm của anh. Tranh luận học thuật lành mạnh là môi trường và động cơ cho sự phát triển của học thuật pháp lý, từ đó, đóng góp cho sự hoàn thiện của pháp luật.
Với người hành nghề luật hoặc nghiên cứu luật, cuốn sách này là một tài liệu tham khảo quý. Với những ai đang học luật, đọc được một cuốn sách như thế này phải là niềm vui sướng lớn, bởi so với sinh viên luật thế hệ chúng tôi, các bạn có điều kiện để tìm hiểu luật pháp một cách sâu sắc hơn trước khi ra trường mà cuốn sách này cung cấp cho các bạn một công cụ để làm việc đó. Với cá nhân tôi, đọc sách cuốn này là thỏa mãn niềm mơ ước hai mươi năm trước, và viết lời giới thiệu cho cuốn sách này là một niềm vinh dự.
Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét