Tư cách thành viên Hội đồng quản trị chấm dứt khi nào


NỘI DUNG VIỆC KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Bà Lê Thị Hương G có đơn đề nghị hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư Thiết bị Đ (Gọi tắt là Công ty Đ) với các lý do Nghị quyết đại hội đồng cổ đông có nhiều vi phạm:


§   Về trình tự, thủ tục triệu tập đại hội: Trước đại hội Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đ tự ý triệu tập các cổ đông về dự đại hội mà không phải do Hội đồng Quản trị triệu tập. Bản thân bà G là thành viên Hội đồng quản trị Công ty nhưng không được triệu tập tham gia họp Hội đồng quản trị để tiến hành triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.


Công ty Đ cho rằng thủ tục và trình tự Đại hội đồng cổ đông của Công ty không có bất cứ vi phạm nào bởi lẽ:

§   Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2016- 2020 của Công ty gồm có 05 thành viên là: ông Nguyễn Bảo Đ, ông Nguyễn Kim P, ông Trần Anh T, ông Nguyễn Hoàng H, bà Lê Thị Hương G. Trong đó ông Đ, ông P, ông T là người đại diện của phần vốn Nhà nước của Tổng Công ty ĐS chiếm tỷ lệ 51,17%. Thực hiện việc thoái vốn Nhà nước, tháng 9/2016 Tổng công ty ĐS thoái 100% vốn và ban hành các quyết định miễn nhiệm đối với ông Đ, ông P, ông T nhưng ông Đ vẫn là cổ đông sở hữu 0,6% vốn điều lệ nên chỉ có ông T, ông P làm đơn xin từ chức. Ông H đã bán toàn bộ cổ phần của mình cho cổ đông khác. Mặc dù vậy, Công ty chưa có cuộc họp nào để miễn nhiệm các thành viên HĐQT là ông T, ông H, ông P và bầu bổ sung thành viên HĐQT mới nhưng khi được Chủ tịch HĐQT Công ty (ông Đ) triệu tập đến họp HĐQT để thông qua các chủ trương, nội dung đại hội thì bà G không chịu đến họp nên Chủ tịch HĐQT phải triệu tập Đại hội bất thường là đúng quy định.

§   Tại đại hội các nội dung Nghị quyết đều được thảo luận và thông qua, không vi phạm Luật Doanh nghiệp hay Điều lệ của Công ty và rất cấp bách, cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên mặc dù bà G đề nghị hủy thì vẫn có hiệu lực thi hành ngay. Do vậy, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà G.

 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Hội đồng xét phiên họp thấy rằng: 

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Đ năm 2016- 2020 gồm có 05 thành viên gồm: ông Nguyễn Bảo Đ, ông Nguyễn Kim P, ông Trần Anh T, ông Nguyễn Hoàng H, bà Lê Thị Hương G.

Trước thời điểm tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 04/4/2017 thì ông H đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác; ông Đ, ông P, ông T là những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty nhưng khi Công ty tiến hành thoái 100% vốn Nhà nước, ông T, ông H và ông P có đơn xin từ chức nên đương nhiên ông P, ông T, ông H không còn là thành viên HĐQT (Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014) mà không cần phải họp Đại hội đồng cổ đông Công ty để miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của các ông này. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Bảo Đ, mặc dù không còn là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại Công ty nhưng ông Đ vẫn đang là cổ đông sở hữu 0,6% tỷ lệ cổ phẩn tại Công ty nên ông Đ không mất tư cách thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT của Công ty.


Như vậy, thành viên HĐQT Công ty Đ trước khi diễn ra Đại hội đồng cổ đông của Công ty chỉ có 02 thành viên là ông Đ, bà G. Hồ sơ việc kiện cho thấy, trước khi triệu tập các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty vào các ngày 04/4/2017 và 05/5/2017 ông Đ đã liên lạc, triệu tập bà G tham gia họp HĐQT để thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT Công ty trước khi tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty nhưng bà G không có mặt. Vì sự phát triển của Công ty và lợi ích của các cổ đông, ông Đ đã tiến hành các thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông Công ty là phù hợp.

 

BÌNH LUẬN

ĐHĐCĐ là cơ quan có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT[1]. Nếu như thời điểm xác lập tư cách thành viên HĐQT là rõ ràng thì thời điểm chấm dứt tư cách thành viên này lại không được qui định rõ. Một trong những điểm gây tranh cãi nhiều nhất là khi thành viên HĐQT có đơn xin từ chức, vấn đề pháp lý được đặt ra là:

§  Việc từ chức này có bắt buộc phải có sự chấp thuận của HĐQT và/hoặc ĐHĐCĐ hay không? Và

§  Thời điểm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT là khi nào.

Đây cũng là hai câu hỏi có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ tranh chấp. Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2016- 2020 của Công ty gồm có 05 thành viên là:

 

STT

Thành viên

Ghi chú

1

ông Nguyễn Bảo Đ

§ Ba ông này là người đại diện của phần vốn Nhà nước của Tổng Công ty ĐS chiếm tỷ lệ 51,17%.

§ ông Đ là cổ đông sở hữu 0,6% vốn điều lệ.

2

ông Nguyễn Kim P

3

ông Trần Anh T

4

ông Nguyễn Hoàng H

 

5

bà Lê Thị Hương G

 

 

Tháng 9 năm 2016 Tổng công ty ĐS thoái 100% vốn. Theo đó ông T, ông P làm đơn xin từ chức. Ông H đã bán toàn bộ cổ phần của mình cho cổ đông khác. Mặc dù vậy, Công ty chưa có cuộc họp nào để miễn nhiệm các thành viên HĐQT là ông T, ông H, ông P và bầu bổ sung thành viên HĐQT mới.

Vấn đề là khi ông T, ông P làm đơn xin từ chức thì tư cách thành viên HĐQT của hai ông này tại công ty đã chấm dứt chưa?

Toà án nhận định:

Trước thời điểm tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 04/4/2017 thì ông H đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác; ông Đ, ông P, ông T là những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty nhưng khi Công ty tiến hành thoái 100% vốn Nhà nước, ông T, ông H và ông P có đơn xin từ chức nên đương nhiên ông P, ông T, ông H không còn là thành viên HĐQT (Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014) mà không cần phải họp Đại hội đồng cổ đông Công ty để miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của các ông này (Tác giả gạch dưới để nhấn mạnh). Đối với trường hợp của ông Nguyễn Bảo Đ, mặc dù không còn là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại Công ty nhưng ông Đ vẫn đang là cổ đông sở hữu 0,6% tỷ lệ cổ phẩn tại Công ty nên ông Đ không mất tư cách thành viên HĐQT.

Có hai điều đượt rút ra từ nhận định này của toà:

Một là: Thời điểm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT là khi HĐQT nhận được đơn từ chức của thành viên.

Hai là:  Chỉ cần thành viên HĐQT nộp đơn từ chức là họ đương nhiên sẽ bị chấm dứt tư cách mà không cần đền sự phê duyệt của ĐHĐCĐ.

Tác giả cho rằng nhận định này của toà cần phải được xem xét lại. Theo qui định tại điều 156.1(c) thì:

Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 151 của Luật này;

b) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Có đơn từ chức;

d) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Theo cấu trúc câu, ta thấy Điều 156.1 LDN 2014 đang liệt kê các căn cứ để miễn nhiệm một thành viên HĐQT của công ty. Có nghĩa bản chất của việc từ chức nó cũng chỉ là một căn cứ để miễn nhiệm giống như việc một thành viên không còn đủ điều kiện hoặc họ không tham gia hoạt động của HĐQT liên tục 6 tháng vậy. Theo qui định tại Điều 135.1(c) thì ĐHĐCĐ là cơ quan có quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT. Nhưng không phải ĐHĐCĐ có quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT bất cứ lúc mà họ phải tuân thủ các căn cứ đã được liệt kê của Điều 156.1 LDN 2014. Nếu không rơi vào các trường hợp được qui định ở đây, ĐHĐCĐ không được miễn nhiệm mà phải làm thủ tục bãi nhiệm theo qui định tại Điều 156.2 LDN 2014.


Một điều thú vị là mặc dù Điều 156.1  và Điều 156.2 LDN 2014 qui định về hai thủ tục miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhưng trong suốt các phần còn lại của LDN lại không hề có định nghĩa và/hoặc giải thích hai qui trình này khác nhau như thế nào.

Quay trở lại vụ tranh chấp đang được đề cập, kết hợp cả hai điều 156.1(c) và Điều 135.1(c) LDN 2014 thì có thể hiểu rằng khi thành viên HĐQT nộp đơn từ chức thì nó sẽ là căn cứ để ĐHĐCĐ miễn nhiệm. Và tư cách thành viên của ông T, ông P chỉ bị chấm dứt khi có nghị quyết của ĐHĐCĐ miễn nhiệm các ông.

Những nguyên tắc này cũng được kế thừa và được làm rõ hơn trong LDN 2020. Theo qui định tại Điều 160.1 thì:

Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 155 của Luật này;

b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;

c) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Có hai điều rút ra từ qui định này:

Một là LDN 2020 đã xác định rõ việc miễn nhiệm thành viên HĐQT phải do ĐHĐCĐ tiến hành.

Hai là đơn từ chức không đương nhiên làm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT. Mà luật yêu cầu đơn này phải được chấp thuận. Tới đây thì lại phát sinh vấn đề là: sự chấp thuận này là của ai? HĐQT hay ĐHĐCĐ? Nhìn từ logic của các bước, ta sẽ diễn dịch qui định tại Điều 160.1(c) như sau:

Bước 1: Thành viên HĐQT gửi đơn từ chức đến HĐQT.

Bước 2: HĐQT sẽ chấp nhận đơn (và kèm theo đó phải tiến hành thủ tục họp và/hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của ĐHĐCĐ về việc cho miễn nhiệm thành viên HĐQT).

Bước 3: ĐHĐCĐ miễn nhiệm thành viên HĐQT.

Nếu so sánh Điều 156 của LDN 2014 và Điều 160 của LDN 2020 thì ta thấy LDN 2020 tiến bộ hơn rất nhiều. Bởi với cách liệt kệ trong LDN 2014, ĐHĐCĐ mặc dù là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong công ty, nhưng nếu muố  miễn nhiệm thành viên HĐQT, đặc biệt là khi thành viên này không hề gây ra lầm lỗi gì, là một điều gần như vô khả. Nhưng LDN 2020 đã sửa chữa khiếm khiết này trong Điều 160.3 như sau: “Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Chính điều này đã góp phần đề cao quyền của của ĐHĐCĐ với tư cách là hội đồng của những chủ sở hữu trong việc quyết định ai sẽ là người thay mình quản lý công ty.

 


[1] Điều 135.2(c) LDN 2014, Điều 138.2(c) LDN 2020.

Nhận xét