Chuyển đến nội dung chính

Thư gửi thế hệ 2003: Những cánh cửa cuộc đời

 

Tờ Wall Street Journal hôm 08.07.2021 vừa qua đã có bài viết về cái giá phải trả khi ghi danh vào các chương trình cao học ở các đại học tinh hoa “Financially Hobbled for Life’: “The Elite Master’s Degrees That Don’t Pay Off ”. Thông điệp đưa ra là học phí cao, nhưng khả năng tạo ra thu nhập lại không đáng cho khoản đầu tư ấy.

Điều ấy lại khiến tôi liên tưởng đến giáo dục đại học tại Việt Nam. Mười bốn năm theo nghề giảng dạy đại học, đủ để tôi nhận ra vài điều chua chát. Mặc dù trên thực tế các trường phải đáp ứng các điều kiện về Cơ sở vật chất, Số lượng giảng viên, Chương trình đào tạo…để được cấp phép. Nhưng có vẻ thực tiễn vận hành thì chua chát hơn nhiều. Hãy lấy lĩnh vực đào tạo cử nhân luật làm ví dụ. Số lượng các khoa luật ở các trường ĐH có tụ sở tại TP.HCM là nhiều vô kể. Nhưng trong yêu cầu tuyển dụng của các Công ty luật được xếp hạng bởi Legal500 gần như chỉ có 2 nơi là được tuyển: ĐH Luật TP.HCM và ĐH Kinh tế luật. Trong lĩnh vực nhà nước, Toà án nhân dân TP.HCM trong nhiều năm qua, cũng chỉ tuyển nhân sự từ một địa chỉ duy nhất là ĐH Luật TP.HCM. Vấn đề này có lẽ cũng mang tính tương tự trong các lĩnh vực đào tạo khác.


Mặc cho các trường vẫn tuyên bố giá trị pháp lý của các văn bằng là bình đẳng. Phản ứng của thị trường thì đơn giản hơn nhiều: họ sẽ tuyển những người làm được việc. Phản ứng này không chỉ là sức ép lên các trường tư, mà nó còn là áp lực ghê gớm đối với các trường công vốn trong nhiều năm nặng tính kinh viện. Cùng với khuynh hướng tự chủ đại học, mà tôi cho là đúng đắn, thì mức học phí sẽ ngày càng cao hơn. Câu hỏi mà các bậc phụ huynh của thế hệ 2003 vừa trải qua kì thi THPT là: có nên đầu tư một khoản ngân sách đâu đó khoảng 50 triệu/năm cho việc học ở các viện đại học, mà ngoài tấm bằng, thì đầu ra là rất khiêm tốn về kiến thức và kĩ năng?


Sự phát triển kinh tế hiện nay, mang lại cơ hội cho chúng ta nhiều cơ hội và lựa chọn. Tất nhiên để thành công, cần có sự trang bị về kiến thức và kĩ năng. Đại học là một con đường để các em 2003 tích luỹ cho mình những hành trang cần thiết. Nhưng cần phải thấy rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Các em có thể học nghề, học các khoá ngắn hạn. Hơn một thập kỉ theo nghề dạy, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các em không phù hợp với việc học đại học. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Có những người có tố chất để làm vận động viên chuyên nghiệp, có những người trở thành nhà khoa học, có người trở thành thợ làm bánh.


Việc bắt ép các em theo đuổi đại học, đặc biệt là khi các em không đủ năng lực để được vào các trường tử tế, là một lựa chọn lãng phí. Sự lãng phí không đếm bằng tiền mà còn là sự phí hoài của các em 4 năm tuổi trẻ.

Kết lại, có vài điều dành riêng cho các em 2003:

- Đại học không phải là con đường duy nhất. Không đủ điểm vào đại học, đơn giản đi.

- Nền kinh tế có nhiều cơ hội dành cho các em. Hãy học cho mình một nghề, rèn kĩ năng mềm và trang bị ngoại ngữ. Đặc biệt hãy xác định mình thật sự thích gì. Muốn làm bánh ư, làm đi; thích nấu ăn ư, đó cũng là lựa chọn không tồi.

- Hãy luôn nuôi cho mình một thái độ sống tích cực. Đôi khi việc không học đại học, hoá ra lại là một món quà. Em được tặng 4 năm của cuộc đời để làm việc nhanh hơn, sống hạnh phúc hơn, thay vì phí hoài nó vì những chương trình đào tạo vô bổ của một trường đại học kém cỏi nào đó.

Chúc 2003 luôn may mắn và hạnh phúc.

Thương mến,

TS. Phạm Hoài Huấn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Case Study: Phong cách viết của Luật sư In-house

  Phê tê bút hoặc tại các Hội thảo, người ta hay nói Luật sư chuyên nghiệp và Luật sư In-house rất khác nhau. Vấn đề là ít người nói cho bạn nghe khác nhau là khác thế nào. Ôi thì có tám vạn bốn ngàn hai trăm sáu mươi bảy cái khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi kể bạn nghe một sự khác nhau rất thú vị và có lẽ là lớn nhất giữa hai nghề này: Phong cách viết. Diễn đạt thì dài dòng, tôi dùng một case nhỏ để bạn dễ hình dung vậy.

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.