Nguyên tắc thiết kế cổ phần ưu đãi và ứng dụng

Luật Doanh nghiệp có nhiều qui định xem qua thì rất đơn giản, nhưng để tuỳ biến nó vào trong các giao dịch hoặc đáp ứng cho các nhu cầu quản trị thì lại là câu chuyện rất khác. Bối cảnh của bài viết này là: làm thế nào để tối đa hoá khả năng huy động vốn, nhưng lại lại không muốn đánh đổi quyền kiểm soát công ty? Hoặc làm thế nào để giới hạn quyền chuyển nhượng khi người lao động mua cổ phần theo các ưu đãi mà công ty dành cho họ trong các chương trình ESOP?

NỘI DUNG CHI TIẾT

Trong công ty cổ phần, cổ phần phổ thông được coi là cổ phần gốc. Ngoại trừ cổ phần phổ thông, chúng ta có thể thiết kế các loại cổ phần ưu đãi. LDN qui định ba loại cổ phần ưu đãi gồm: ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và dành cho các bên được thiết kế những loại cổ phần ưu đãi khác và ghi vào trong điều lệ.


Nguyên tắc thiết kế cổ phần ưu đãi

Về lý thuyết, bạn có quyền thiết kế bất cứ loại cổ phần ưu đãi gì với tên gọi như thế nào, miễn là bạn phải ghi vào trong điều lệ. Tuy vậy, đi vào chi tiết, để có thể thiết kế một loại cổ phần ưu đãi, bạn nên lưu ý mấy điểm sau:

- Khi thiết kế cổ phần ưu đãi, bạn nên tham khảo cách tiếp cận mà Luật Doanh nghiệp đang sử dụng. Theo đó, bạn nên lấy cổ phần phổ thông làm chuẩn. Khi bạn muốn “ưu đãi” một quyền nào đó trong lạo cổ phần mà bạn mới tạo ra, bạn nên giảm quyền khác mà cổ đông sở hữu. Ví dụ như trường hợp của cổ phần ưu đãi cổ tức: được ưu đãi về quyền hưởng cổ tức cao hơn so với cổ phần phổ thông. Đổi lại, cổ đông ƯĐCT phải chấp nhận mất quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Cách tiếp cận này của LDN tạo ra những lựa chọn mang tính công bằng. Nếu việc tạo ra cổ phần ưu đãi (hơn so với cổ phần phổ thông) nhưng lại không bắt cổ phần này phải chấp nhận đánh đổi một quyền nào đó, nó tạo ra sự bất công. Hệ quả của sự bất công ấy là nhà đầu tư có thể không mua cổ phần ở công ty nữa, mục tiêu thu hút vốn là không đạt được. Số lượng và sự bất công này càng lớn, thì khả năng này là càng cao. Âu đời là đánh đổi mà (tradeoff). Cho nên, xét đến tận cùng, thì bản chất của cổ phần ưu đãi, thật ra chả ưu đãi gì cả. Được cái này thì mất cái kia. Cho nên, xét về bản chất thì bằng việc tuỳ biến đặc tính cổ phần, bạn đang chơi một trò chơi có tổng không đổi, bạn chỉ thay đổi số hạng (là các quyền và nghĩa vụ mà cổ phần mang lại) để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư để tối đa hoá khả năng thu hút vốn vậy.

- Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (khoản 7 điều 114 LDN 2020) là một qui định mới của LDN 2020. Tuy vậy, khung pháp lý đối với loại chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (“CCLK”) là chưa đầy đủ. Kết hợp cả khoản 6 và khoản 7 điều 114 có thể tạm hình dung người sở hữu chứng chỉ lưu ký sẽ có các quyền của một cổ đông phổ thông (nhưng người này không phải là cổ đông) và đặc biệt là không có quyền biểu quyết. Với những qui định ít ỏi trong LDN và chưa có hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ, chúng ta chỉ có thể hình dung về CCLK đã vượt ra ngoài nguyên lý biến tấu cổ phần như trên đã đề cập, tức là bị mất quyền biểu quyết mà không có bất kì quyền lợi nào được đền đáp. Xét từ khía cạnh kinh tế, các nhà đầu tư thông thường sẽ không có động cơ để sở hữu CCLK. Có lẽ loại chứng chỉ này chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của một thiểu số nào đó, ví dụ như nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp bị giới hạn tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp.


Ứng dụng

Có nhiều cách khác nhau để ứng dụng nguyên lý biến tấu cổ phần. Trong khuôn khổ bài viết này xin lấy thí dụ trong các chương trình ESOP. Theo đó, một trong những cái khó của chương trình ESOP đó là làm sao để giới hạn việc chuyển nhượng cổ phần. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức là chia số cổ phần mà người lao động có quyền mua theo chương trình ESOP thành các gói nhỏ và kéo dài trong nhiều năm (thông thường là 3 năm) theo một tỷ lệ nhất định, ví dụ: năm 1: 40%, năm 2: 30%, năm 3: 30%. Nhưng bạn có thể cân nhắc đến cổ phần ưu đãi. Có vài gợi ý mà bạn có thể cân nhắc:

Một là: Qui định đối tượng có quyền sở hữu loại cổ phần. Điều này là một trong những cơ sở để giới hạn khả năng chuyển nhượng;

Hai là: Giới hạn hoặc tạo ra các điều kiện gây khó khăn cho việc chuyển nhượng; và

Ba là: Có một ưu đãi gì đó cho những đánh đổi này.

 

Nhận xét