Cá nhân kinh doanh trong các ưu tiên phát triển

Bài đăng trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 24.2.2021

Trong cuộc cafe chiều qua, cậu học trò bảo “nhà em đã thanh lý gần hết hàng. Chắc cố thêm vài hôm nữa cho xong để kịp bàn giao cho khách thuê mặt bằng”. Số là nhà cậu học trò ở một khu chợ của Sài gòn, bán đủ tất cả các thể loại hàng gia dụng từ thau chậu, chén bát đến lư hương, đồ thờ cúng. Bà mẹ bán buôn đã ngót 30 năm. Nuôi con ăn học, xây nhà…đều từ cái tiệm bán hàng tạp hoá ấy. Trong những ngày gần đây, sức khoẻ bà mẹ yếu đi vì bệnh tật, phần vì buôn bán không tốt, phần thì con cái cũng lớn khôn, bà mẹ quyết định nghỉ hưu, thanh lý toàn bộ hàng họ và cho người ta thuê mặt bằng.

Chuyện tiệm tạp hoá này mang những điểm chung của một nền kinh tế đang chuyển đổi ở Việt Nam vốn đặc trưng bởi sự đông đảo của bộ phận kinh doanh cá thể hoặc hộ kinh doanh mà nói nôm na là kinh doanh nhỏ. Covid không phải là nguyên nhân dẫn đến sự đóng cửa. Nguyên nhân sâu xa của việc đóng cửa này chính là kinh tế  và xã hội Việt Nam đang thay đổi. Chợ truyền thống sẽ là nơi cung cấp tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống từ thực phẩm cho đến đồ gia dụng. Những chiến xe gắn máy chở đầy đồ từ những lần đi chợ. Nhưng trong giai đoạn gần đây, người dân thành phố không nhất thiết phải ra chợ. Chỉ cần dạo quanh các hệ thống siêu thị, chọn mua và đi về mà không cần bận tâm về chuyện chở hàng vì đã có siêu thị lo. Đấy, các tiệm tạp hoá ở chợ chết vì sự thay đổi ấy. Tác động của Covid, có chăng, chỉ là làm cho quá trình đóng cửa ấy diễn ra nhanh hơn.

Thị trường trở nên tập trung hơn. Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của các doanh nghiệp lớn dẫn đầu ngành (national champion) và các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ (platform & kinh tế chia sẻ). Chính sự trỗi dậy của hai thế lực này một mặt mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, tạo cơ hội kinh doanh mới cho một bộ phận năng động thì mặt ngược lại nó góp phần làm cho các cơ sở kinh doanh cá thể ngày càng teo tóp và chấp nhận bị đào thải theo một cách nào đó.

Thông điệp của chính phủ là đủ rõ ràng: Việt Nam cần tận dụng cuộc cách mạng khoa học công nghệ để trở mình và trở thành một quốc gia hùng cường trong khu vực. Nhưng câu hỏi nên được đặt ra là trong quá trình xác lập chính sách phát triển ấy, ai sẽ là người được hưởng lợi và cái giá cho các ưu đãi sẽ là gì? Sự hữu hạn của ngân sách và nguồn lực quốc gia đặt ra lựa chọn đầy nghiệt CHỌN – BỎ. Trong dòng chảy của sự phát triển, những tác động khắc nghiệt đối với khu vực kinh doanh cá thể được tính đến như thế nào? Đã có những giải pháp để chuyển đổi nhận thức và/hoặc giảm thiểu tác động bất lợi đến khu vực kinh tế này hay chưa?

Việt Nam đang chuyển đổi từ một nền sản xuất nhỏ sang nền sản xuất hiện đại qui mô lớn. Đó là một quá trình không thể đảo ngược và hợp qui luật. Quá trình chuyển đổi ấy, cái giá phải trả cho cái gọi là nền sản xuất lớn chính là các cơ sở sản xuất nhỏ, các hộ kinh doanh bán lẻ, được nhìn nhận ở vai trò tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề tạo ra một số lượng lớn việc làm ,phải hoặc đối diện với nguy cơ bị đào thải để nhường chỗ cho những doanh nghiệp sản xuất qui mô và hệ thống phân phối bài bản trải rộng trên một khu vực địa lý hoặc ở qui mô toàn quốc. 

 

Ở một khía cạnh nào đó, tôi cho Covid-19 là một phép thử nghiệt ngã nhưng cũng thú vị. Nó xáo trộn toàn bộ nền kinh tế và toàn bộ các dự định kế hoạch phát triển. Chính sự xáo trộn ấy đòi hỏi sự tái lập lại trạng thái bình thường mới. Câu hỏi đầu năm Tân Sửu đó là trong quá trình tái lập ấy, khu vực kinh tế cá thể sẽ được hưởng lợi gì trong bảng cân đối của nhà hoạch định chính sách.  Bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam không chỉ được vẽ bởi những khối màu bất động sản và viễn thông. Nó còn được tô điểm bởi hàng loạt các điểm nhỏ của khu vực cá thể. Nhưng việc thiếu một đại diện chính thức để lên tiếng trong các góp ý nghị trường khiến cho khu vực kinh tế này dễ bị lãng quên trong quá trình ưu tiên tiên phát triển. 

Nhận xét