Bỏ qua các ồn ào của vụ việc, chung qui lại, tôi cho rằng đây là một ý tưởng thú vị vì ý nghĩa của nó về khía cạnh sức khoẻ người dùng và bảo vệ môi trường. Nhưng kế hoạch thương mại hoá sản phẩm của nhóm bạn trẻ đã không thành công. Ý tưởng bị sao chép, tên của sản phẩm đã bị nhiều người khác đăng kí, tên miền cũng bị mua mất.
SAO CHÉP Ý TƯỞNG
Đó là chuyện bình thường trong kinh doanh. Khi một sản phẩm thú vị ra đời, nó sẽ bị sao chép theo cách này hay cách khác. Đừng nghĩ sao chép chỉ toàn là những hành vi trái luật, rất nhiều trường hợp sao chép là hợp pháp. Cho nên, mặc dù đau đớn, cũng phải chấp nhận một sự thật là các ý tưởng kinh doanh, cho dù đắt giá bao nhiêu, cũng đứng trước nguy cơ bị sao chép. Thành công của ý tưởng ấy càng lớn, nguy cơ bị sao chép càng cao.
Luật sư chuyên nghiệp sẽ không thấm thía chuyện này bằng dân làm pháp chế. Bởi pháp chế là một manager của doanh nghiệp, họ sống cùng doanh nghiệp, cùng sự thành bại của sản phẩm mà doanh nghiệp tạo ra. Xuất phát từ trải nghiệm của một Head of Legal & Compilance của doanh nghiệp FMCG, tôi có vài chia sẻ mang tính kinh nghiệm với các bạn hành nghề liên quan đến khía cạnh sao chép:
Một là: Khi công ty chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới, hãy có một checklist cho việc này. Theo đó, checklist sẽ là một danh sách NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ SẢN PHẨM NÀY RA ĐỜI. Ví dụ: Đã nghiên cứu sản phẩm và có công thức chưa; Nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách hàng chưa; Có chiến dịch marketing cho sản phẩm; Bao bì thế nào, Nhãn hiệu của sản phẩm. Trong checklist này CHẮC CHẮN phải có một mục dành cho legal: đã đăng kí sở hữu trí tuệ (“gọi tắt là IP”) chưa (Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp…).
Hai là: Hãy nhớ rằng ý nghĩa của việc đăng kí IP không hẳn là sẽ chặn đứng hoàn toàn việc sao chép. Nhưng chí ít với việc đăng kí, các bạn đã trang bị cho doanh nghiệp một công cụ tự vệ, làm cho quá trình sao chép của đối thủ sẽ trở nên khó khăn hơn. Và nếu họ vẫn muốn sao chép thì họ sẽ mất nhiều tiền & công sức hơn. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn là ở chỗ đó. Và nếu nhìn ở vòng đời của một sản phẩm tiêu dùng đâu đó khoảng 3 – 5 năm, thì khi đối thủ manh nha sao chép được, mình đã chuẩn bị ra sản phẩm khác rồi.
Ba là: Bạn có thể đăng kí IP cho sản phẩm, nhưng không thể yêu cầu nhà nước bảo hộ ý tưởng. Bạn làm hộp bằng lá chuối với nhãn hiệu là X, thì người khác nếu hứng thú với sản phẩm của bạn, sẽ làm hộp lá chuối nhãn Y. Bạn nghĩ thế nào về việc các tính năng của Snapchat liên tục bị Facebook sao chép? Hoặc trường hợp của Zoom phát triển ấn tượng trong hoàn cảnh covid, ngay sau đó các hãng đều đẩy mạnh tính năng họp qua mạng?
Cho nên trong trường hợp này, về cơ bản là một hành vi hợp pháp. Cho nên, phải chấp nhận sự thật là mình sẽ bị sao chép. Muốn tồn tại, thì bạn phải chuẩn bị cho sự bứt phá. Bởi nếu sau màn ra mắt ấn tượng mà bạn không phát triển với tốc độ nhanh, đời sẽ là bi kịch khi bạn bị sao chép bởi một đối thủ lớn hơn.
Trong vụ việc của các bạn trẻ ở đầu bài, nếu từ đầu các bạn có sự chẩn bị cho công việc này, các bạn đã không bị “cướp tên” và cả tên miền như vậy. Bạn thấy Nghề Pháp chế thú vị chứ?
Nhận xét
Đăng nhận xét