Cái khó nhất khi soạn hợp đồng là gì?

Hỏi: Cái khó nhất khi soạn hợp đồng là gì?

Khó nhất chính là không biết Cấu trúc của một cái Hợp đồng gồm những PHẦN nào. Trường Luật không dạy cho sinh viên điều ấy. Và theo một cách nào đó rất phổ biến, những người mới hành nghề Luật ở Việt Nam vẫn cứ phải soạn Hợp đồng theo thói quen và các mẫu sẵn có. Điều ấy thật vất vả cho các bạn.

Cùng với sự phát triển của Ngành dịch vụ pháp lý, các hãng luật lớn đã dịch ra tiếng Việt những hợp đồng thú vị, nhưng cũng mang nhiều khác biệt từ truyền thống thông luật (common law) với những khác biệt với luật hợp đồng Việt Nam. Ví dụ, những nội dung bao gồm Representations, Warranties & Covenants khi được mang vào ngôn ngữ hợp đồng Việt Nam bằng điều khoản “Các Cam đoan và Bảo đảm”, thật ra đã mang theo những dị biệt nhất định so với nguyên gốc trong common law.

Cho nên, lời khuyên dành cho những bạn muốn Soạn thảo Hợp đồng đó là:

Một: Phải biết một Hợp đồng bao gồm những phần nào. Các điều khoản có thể thêm hoặc bớt, nhưng các PHẦN thì cơ bản là giữ nguyên. Ví dụ: PHẦN MỞ ĐẦU của một Hợp đồng thông thường sẽ gồm ba (3) nội dung sau: Preamble, Recitals, and Words of Agreement. Ví dụ:

Hợp đồng Mua bán này được lập và kí kết vào ngày [] giữa: (Preamble)

….

Xét vì, Công ty A là một công ty hoạt động trong lĩnh vực….

Xét vì…( Recitals)

Nay, các bên thoả thuận các nội dung như sau: (Words of Agreement).

Hai: Phải biết trật tự các phần trong một hợp đồng như thế nào. Mặc dù pháp luật Hợp đồng Việt Nam không qui định, nhưng có một thực tế là hợp đồng đang dần được chuẩn hoá. Có nghĩa, thị trường đang dần chấp nhận một hợp đồng sẽ có những phần và thứ tự của các phần sẽ là như vậy. Những giám đốc trong pháp lý trong doanh nghiệp hoặc luật sư hướng dẫn sẽ có khuynh hướng thích những hợp đồng được soạn theo một trật tự quen thuộc thay vì là một cấu trúc phá cách. Việc nắm được thứ tự trình bày này, sẽ mang lại lợi thế cho người soạn thảo và ngược lại.

Ba: Những khái niệm căn bản trong luật hợp đồng. Ví dụ: Cam đoan & Bảo đảm..., Nghĩa vụ, Phân bổ rủi ro (risk allocation)…. và cách biến những ý định của khách hàng thành ngôn ngữ hợp đồng.

Đấy, yêu cầu của việc Soạn thảo hợp đồng là như vậy. Chúc bạn vui với Soạn thảo Hợp đồng.

Nhận xét