Quyền riêng tư từ góc nhìn pháp lý (phần 2)

 

Khi chúng ta sử dụng một dịch vụ hoặc một ứng dụng trên internet, luôn sẽ có một thủ tục đó là chúng ta bắt buộc phải chấp nhận các điều khoản sử dụng. Theo đó, gần như các dịch vụ của các hãng lớn sẽ có một câu đại loại như “bằng việc click chấp nhận, có nghĩa bạn chấp nhận toàn bộ các điều kiện của chúng tôi….”. Nếu thấy vô lý, bạn chọn từ chối, xong, khỏi xài.

Quay trở lại câu trích mà tôi dùng để bắt đầu loạt bài này: “Tôi không cho Facebook hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan đến Facebook được phép sử dụng hình ảnh, thông tin, tin nhắn hoặc bài đăng của tôi, cả quá khứ và tương lai. Với tuyên bố này, tôi nghiêm cấm Facebook tiết lộ, sao chép, phân phối, hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào khác chống lại tôi dựa trên trang cá nhân này và/hoặc nội dung của nó. Nội dung của trang cá nhân này là thông tin riêng tư và bí mật. Việc vi phạm quyền riêng tư có thể bị luật pháp trừng phạt (UCC 1-308-1 1 308-103 và quy định Rome”. Khoan hãy bàn tính xác thực của qui định ROME nào đó, điều khoản sử dụng dịch vụ (tuỳ theo dịch vụ mà có thể sẽ có khác nhau), thông thường sẽ qui định:

Cho phép nhà cung cấp, ví dụ fb google, được truy cập và/hoặc sử dụng thông tin của người dùng. Nó cũng sẽ bao gồm cả chuyện ta cho phép nhà cung cấp được thay đổi điều khoản sử dụng mà không cần báo trước và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm.

Cho nên, khi đã chấp nhận là TÔI ĐỒNG Ý CHO ÔNG XÀI THÔNG TIN CỦA TÔI, giờ mà đòi không được phép sử dụng hình ảnh, xét mặt logic là chưa ổn.

AI BẢO VỆ SỰ RIÊNG TƯ CỦA TA?

Sự riêng tư của mình, mình không bảo vệ thì chờ ai. Có vài điều có thể có hiệu quả, bạn nên cân nhắc:

Một: Về mặt bản chất, các hãng mong muốn sẽ có nhiều thông tin của người dùng nhất có thể. Nhưng các hãng lớn sẽ chịu những ràng buộc nhất định từ pháp luật.  Cho nên, họ sẽ có những nhượng bộ. Theo đó, bạn để ý là ngoại trừ điều khoản người dùng mà ta phải chấp nhận từ khi tạo tài khoản, thì sẽ có những thứ khác phát sinh trong quá trình sử dụng. Theo đó, các hãng sẽ đòi thêm. Ví dụ: “bạn cho chúng tôi truy cập vào vị trí của bạn chứ? Bạn cho tôi lấy các thói quen của bạn để phục vụ bạn tốt hơn chứ?....”. Bạn có thể từ chối các yêu cầu này, nó cũng là một cách để bảo đảm phần nào quyền riêng tư.

Hai: Nên ý thức về việc khi chúng ta sử dụng internet, có nghĩa ta đang “mở lòng”, mở nhiều thứ khác nữa không chỉ với những người dùng khác, mà là cả với nhà cung cấp dịch vụ. Khi bạn đăng một cái gì đó, dù là để chế độ CHỈ RIÊNG MÌNH TÔI, thì bạn vẫn lưu trữ cái tút trên fb, có nghĩa fb vẫn biết.

HAI LƯU Ý

Trên môi trường số, thì một cái tên cụ thể không quan trọng. Cái mà các hãng ghi nhận là có user 1, user 2….có thói quen và/hoặc khuynh hướng như vậy. Sau đó, họ sẽ tập hợp lại thành những nhóm dữ liệu cho các mục tiêu thương mại khác nhau.

Đừng nên đề cao một doanh nghiệp nào về việc bảo vệ quyền riêng tư. Hoa Kỳ hay Trung Quốc thì đều lấy thông tin cả. Về cơ bản, nếu một sản phẩm có trả phí, thì quyền riêng tư có thể yên tâm hơn một chút. Có lẽ câu nói sau đây của Mark Zuckerberg để kết lại bài này:

“Không ai cũng có đủ 1000$ để chi trả cho các sản phẩm của Apple. Trong khi đó chúng tôi (facebook) mang đến cơ hội được kết nối với nhau một cách miễn phí cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Chúng tôi bán quảng cáo để có thể duy trì sự miễn phí ấy”.

Nhận xét