Viết cho sự ra đi của Điện Thoại Siêu Rẻ

Điện Thoại Siêu Rẻ (một thành viên của Thế Giới Di Động), đã nói lời chia tay cuộc chơi bán lẻ điện thoại. Sự kiện này, tự thân nó nói lên rất nhiều điều. Tôi không muốn nhấn mạnh vào sự khốc liệt của thị trường bán lẻ điện thoại di động của Việt Nam hay sự năng động của các nhà bán lẻ khác trên thị trường (gồm cả chính hãng, xách tay và cả hàng cũ). Nhưng có lẽ cần nhìn nhận một chút về Thế Giới Di Động, một công ty Việt Nam thành công mà không tước đoạt tài nguyên hoặc cơ hội chính đáng của người khác. Có hai điều mà tôi cho là thú vị:

1. Người khổng lồ không có nghĩa họ làm gì cũng thành công. Rõ ràng, mảng bán lẻ diện thoại là đáng gờm, nhưng việc họ mở thêm mảng điện thoại giá rẻ, không chắc họ đã thành công.

2. Là một doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, TGDD đã rất nhanh chóng nhưng không kém phần nghiệt ngã khi quyết định rời bỏ cuộc chơi khi mảng kinh doanh mới không thành công. 

Tôi cho rằng quyết định này của TGDD không quá khó khăn. Bởi họ đã quen với điều này. Từ Vuivui đến mảng kinh doanh mắt kiếng và còn bao nhiêu thứ nữa TGDD từ bỏ. Nhưng nhìn chung, tôi không cho đó là thất bại. Đó đơn giản chỉ là tìm hiểu thị trường. Và bất kì cuộc “tìm hiểu” nào thì cũng phải trả giá. Việc mở rộng sản phẩm, mở rộng thị trường luôn là con đường tất yếu để trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu. Google chỉ có vài mảng kinh doanh có lợi nhuận, nhưng họ có hàng chục các sản phẩm thử nghiệm, và cứ mỗi năm lại chấm nhận bỏ cuộc rất nhiều những thử nghiệm như vậy. Cái quan trọng là nhà lãnh đạo có một kế hoạch kinh doanh (hoặc thử nghiệm) đủ rõ ràng để xác định những Điểm Hoà Vốn hay Điểm Rút Lui hay không. Nó là việc chấp nhận trả lời trước cổ đông “thử nghiệm đã thất bại”, vốn là những thứ không dễ để có thể chấp nhận. Nhưng suy cho cùng, các doanh nhân lớn, tự họ phân định mình với phần còn lại của doanh giới và xã hội, chính là cái DÁM ấy.


Nhận xét