Chuyển đến nội dung chính

Một góc nhìn khác từ vụ PouYuen chấm dứt Hợp đồng lao động

Doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang thấm đòn vì COVID-19. Việc PouYuen thông báo chấm dứt Hợp đồng lao động với 2786 lao động được coi là một tin chấn động. Tuy nhiên sự kiện này nên được nhìn ở góc nhìn lớn hơn đó chỉ dấu của khó khăn mang tính hệ thống, chứ không chỉ là chuyện của một doanh nghiệp đơn lẻ.

Trong khi Việt Nam đang say sưa với thành tựu chống COVID-19 mà mình đã đạt được trong thời gian vừa rồi (một cách hoàn toàn chính đáng), thì Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn còn lắm gian truân trong cơn đại dịch, Trung Quốc vẫn đang loay hoay với việc bùng phát COVID lần 2. Cả ba thị trường lớn của DN sản xuất Việt Nam bị đóng băng, việc các doanh nghiệp có cắt giảm qui mô, đóng cửa tạm thời hoặc tệ hơn là vĩnh viễn trong những ngày tới đây, không phải là một điều không thể nhìn ra.

Hơn một thập kỷ tư vấn cho doanh nghiệp, trải nghiệm đủ nhiều để tôi nhận ra rằng những chính sách và/hoặc bóc lột và bất công mà giới chủ, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Những khoản đầu tư hàng chục hoặc thậm chí là trăm triệu Mỹ kim với những chiến lược phát triển dài hạn sẽ trở thành hoang phí, nếu các doanh nghiệp không có công nhân để vận hành. Cùng với máy móc, công nghệ và đầu ra sản phẩm, thì yếu tố con người nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Cùng với làn sóng đầu tư vào Việt Nam, việc mở rộng các khu công nghiệp và cả sự phát triển của Grab, làm cho tình trạng thiếu hụt công nhân càng trở nên trầm trọng. Nói cách khác,  nhân công trở thành một món hàng khan hiếm mà các doanh nghiệp sản xuất qui mô lớn đang khao khát và săn đón. Qui luật cung cầu đã đặt các doanh nghiệp phải chi trả nhiều hơn (bao gồm cả lương, phúc lợi và cả cách mà doanh nghiệp quan hệ với công nhân) để giữ người, nếu không muốn họ chạy sang các doanh nghiệp đối thủ.

Bộ luật lao động thiết lập qui tắc để điều hoà hai lợi ích đối kháng là giới chủ và công nhân. Khi cán cân nghiêng về bên này, thì quyền lợi của bên kia sẽ bị giảm đi. Trong một chừng mực nào đó, cán cân này đang nghiêng về phái công nhân nhiều hơn. Quan sát từ thực tiễn hành nghề, tôi nhận ra rằng một người làm công nhân có thâm niên khoảng 5 năm, nhận thức về pháp luật lao động của công nhân là ở mức độ cao. Việc trải qua các thay đổi môi trường làm việc, kỷ luật lao động…trong một vài trường hợp đã trang bị cho công nhân những kỹ thuật đối phó với giới chủ ở mức độ tinh vi.

Nói như thế để thấy, không phải nhằm mục đích để nói giới chủ hay công nhân ai đang chèn ép ai. Mà quan trọng là hãy nhìn nhận một sự thật rằng chúng ta nên thay đổi cách nhìn về quan hệ lao động tại Việt Nam. Chuyện giới chủ chà đạp công nhân, đã là chuyện xưa cũ. Cùng với việc chấp nhận rủi ro, giới chủ nên được tôn vinh vì đã tạo ra giá trị cho xã hội và góp phần giải quyết công ăn việc làm, thay vì là thái độ thù ghét mà họ không đáng bị.

Chúng tôi được biết một vài doanh nghiệp lớn đang có ý định chuyển ra khỏi Việt Nam vì lý do bất động sản và lương công nhân tăng cao. Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, tôi không cho đó là việc nên lo lắng. Bởi nhìn khắp khu vực Đông Nam Á, ứng viên có thể thay thế cho Việt Nam là không nhiều. Nhưng nói như thế không có nghĩa Việt Nam có thể kê cao gối ngủ. Bởi sự khắt khe của pháp luật lao động, chi phí sản xuất tăng cao vì chi phí nhà xưởng & lương công nhân ngày càng tăng, sự rườm rà của pháp (dẫn đến chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp tăng cao), sẽ là những áp lực đẩy doanh nghiệp tìm cho mình một miền đất mới.

Quay trở lại vụ PouYuen, tôi cho dàn lãnh đạo của công ty này là đàng hoàng và có tầm nhìn. Bởi, xét về mặt kỹ thuật, họ không nhất thiết phải thoả thuận chấm dứt hợp đồng và trợ cấp mỗi năm làm việc một tháng lương như cách họ đã làm. Mà thay vào đó, họ có thể áp dụng trường hợp mất việc và đẩy việc chi trả quyền lợi cho người lao động qua bảo hiểm xã hội. Ở đời, mọi việc đều có lý do của nó. Một doanh nghiệp gian trá, không thể có được những đơn hàng được sản xuất bởi 65.000 lao động. Và ngần ấy con người có những lựa chọn nơi làm việc, lại chọn gắn bó với nơi này lâu đến vậy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.