Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng



LS. Trương Nhật Quang – Công ty luật TNHH YKVN
TS. Phạm Hoài Huấn – ĐH Luật TP.HCM
Trong bối cảnh các quy định khác nhau của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) và Luật Xây dựng 2014 (LXD 2014) về mức phạt vi phạm tối đa có thể được áp dụng đối với hợp đồng xây dựng, bài viết này sẽ thảo luận hai vấn đề pháp lý sau, bao gồm:

(i) nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật điều chỉnh hợp đồng xây dựng giữa BLDS 2015, LTM 2005 và LXD 2014; và
(ii) mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng trong hợp đồng xây dựng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước và công trình không sử dụng vốn nhà nước).
Bản chất của hợp đồng xây dựng và pháp luật điều chỉnh đối với hợp đồng xây dựng
Một cách khái quát, hợp đồng xây dựng có thể là một loại hợp đồng đặc thù trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của LXD 2014, hợp đồng dân sự chịu sự điều chỉnh của BLDS 2015, và/hoặc hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của LTM 2005.
Trước hết, bản thân hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng đặc thù thuộc lĩnh vực chuyên ngành về đầu tư xây dựng và được quy định tại LXD 2014.  Do đó, hợp đồng xây dựng thuộc đối tượng điều chỉnh của LXD 2014.  LXD 2014 cũng đồng thời định nghĩa hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự (Điều 138.1). Mặc dù không được định nghĩa cụ thể tại LXD 2014, hợp đồng xây dựng về lý thuyết cũng có thể là hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của LTM 2005. 
BLDS 2015, LTM 2005 và LXD 2014 có quy định khác nhau về mức phạt vi phạm tối đa, vấn đề pháp lý cơ bản đầu tiên được đặt ra là quy định nào sẽ được ưu tiên áp dụng đối với hợp đồng xây dựng trên cơ sở nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật.
Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ hợp đồng xây dựng giữa BLDS 2015, LTM 2005 và LXD 2014
Do BLDS 2015, LTM 2005 và LXD 2014 đều là các văn bản luật có hiệu lực pháp lý ngang nhau do Quốc hội ban hành, có hai nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật có liên quan sau sẽ được xem xét áp dụng, bao gồm: (i) nguyên tắc văn bản ban hành sau và (ii) nguyên tắc luật chung – luật riêng. 
  • Theo nguyên tắc thứ nhất, đối với các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành về cùng một vấn đề, văn bản pháp luật được ban hành sau được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật được ban hành trước. 
  • Theo nguyên tắc thứ hai, luật riêng (hay luật chuyên ngành) được ưu tiên áp dụng so với luật chung. 

Nếu nhìn vào quan hệ giữa BLDS 2015, LTM 2005 và LXD 2014, việc áp dụng riêng lẻ hai nguyên tắc này dường như tạo ra sự mâu thuẫn. Do đó, hai nguyên tắc này cần được giải thích cùng nhau để có thể rút ra các nguyên tắc pháp lý phù hợp nhằm xử lý xung đột pháp luật về vấn đề này. Vận dụng nguyên tắc này, bốn kết luận sau có thể được rút ra để giải quyết xung đột pháp luật trong bối cảnh quan hệ hợp đồng xây dựng:
  1. Nếu quy định của LTM 2005 và LXD 2014 trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại BLDS 2015, quy định của LTM 2005 và LXD 2014 sẽ không được áp dụng và quy định của BLDS 2015 sẽ được áp dụng; 
  2. Nếu quy định của  LTM 2005 và LXD 2014 không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại BLDS 2015, quy định của LTM 2005 và LXD 2014 sẽ được áp dụng và quy định của BLDS 2015 sẽ không được áp dụng; 
  3. Nếu LTM 2005 và LXD 2014 đều không quy định về một vấn đề mà vấn đề đó lại được quy định trong BLDS 2015 thì BLDS 2015 sẽ được áp dụng; và
  4. Nếu LXD 2014 có quy định về một vấn đề cụ thể thì ưu tiên áp dụng quy định đó.  Nếu LXD 2014 không có quy định thì áp dụng LTM 2005 nếu LTM 2005 có quy định điều chỉnh vấn đề cụ thể đó.  Nếu LTM 2005 và LXD 2014 đều không có quy định thì áp dụng quy định của BLDS 2015 nếu BLDS 2015 có quy định điều chỉnh vấn đề cụ thể đó.

Nếu áp dụng bốn nguyên tắc trên đây vào việc xác định quy định điều chỉnh mức phạt vi phạm tối đa áp dụng đối với hợp đồng xây dựng, các kết luận sau đây sẽ được rút ra:
  1. Đối với hợp đồng xây dựng của công trình có sử dụng vốn nhà nước, do LXD 2014 (với tư cách là luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ hợp đồng xây dựng) đã có quy định cụ thể về mức phạt vi phạm tối đa (cụ thể là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm), nên quy định của LXD 2014 sẽ được ưu tiên áp dụng so với LTM 2005 và BLDS 2015; và
  2. Đối với hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước, do LXD 2014 không có quy định cụ thể về mức phạt vi phạm tối đa, nên quy định của LTM 2005 (với tư cách là luật chuyên ngành có quy định về vấn đề này không trái với nguyên tắc cơ bản của BLDS 2015) sẽ được ưu tiên áp dụng so với LXD 2014 và BLDS 2015.  Theo LTM 2005, mức phạt vi phạm tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm áp dụng cho mọi hợp đồng thương mại sẽ được áp dụng cho hợp đồng xây dựng đáp ứng điều kiện là hợp đồng thương mại (bao gồm cả hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước).  Với cách lập luận này, cách giải thích của Bộ Xây dựng tại 48/BXD-KTXD ngày 3 tháng 9 năm 2019 cho phép các bên được quyền áp dụng mức phạt vi phạm cao hơn 8% theo thỏa thuận tại hợp đồng xây dựng đối với công trình không sử dụng vốn nhà nước dường như không phù hợp với các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật được trình bày ở trên. 

Các ý kiến được trình bày trong bài viết này cố gắng khái quát các nguyên tắc xử lý xung đột trong bối cảnh quan hệ hợp đồng xây dựng.  Mặc dù vậy, do BLDS 2015 mới có hiệu lực và chưa có hoặc chưa có nhiều án lệ và bản án áp dụng trên thực tế, nên các ý kiến này chủ yếu được phân tích từ góc độ lý thuyết các quy định pháp luật có liên quan và sẽ cần tiếp tục được phát triển và hệ thống hóa khi có thêm án lệ và bản án áp dụng sau ngày có hiệu lực của BLDS 2015.

Nhận xét