Chuyển đến nội dung chính

Tương ớt Chin su: Tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Nhận Bản

Có một dạo, tôi có dịp làm chung với các “lão đại” trong làng mì gói của Việt Nam. Nói về tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực này, các “lão đại” chỉ nói ngắn gọn “tiêu chuẩn của chúng ta cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam”.

Với giấc mộng tranh ngôi vương trên thị trường mì gói Việt Nam, chúng tôi phải tạo nên những sản phẩm chất lượng ấn tượng so với đối thủ. Cho nên, nếu chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các thông số trong tiêu chuẩn Việt Nam (“TCVN”) thì không đủ sức để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác (kể cả quốc nội và các công ty đa quốc gia).

Trong lĩnh vực FMCG, F&B thì các tiêu chuẩn nhằm mục tiêu chủ yếu là nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà trước hết là yếu tố sức khoẻ. Bởi thứ gì mà đã bỏ vào bụng, thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng các sản phẩm. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành các tiêu chuẩn này, vẫn phải đặt trong tương quan về năng lực sản xuất với trình độ của các doanh nghiệp. Cái khó khăn của những người có thẩm quyền quyết định các tiêu chuẩn sản xuất chính là xác định điểm tối ưu giữa việc bảo đảm sức khoẻ người dùng nhưng không làm cho các doanh nghiệp trong nước phải chết vì không sản xuất được hàng hoá có các tiêu chuẩn quá cao.

Nguyên lý là như vậy, nhưng khi xác định các tiêu chuẩn ngành nó luôn bị giằng xé giữa hai lợi ích đối kháng là sức khoẻ người dùng hay quyền lợi của doanh nghiệp. Từ đó nảy sinh khả năng tác động từ các doanh nghiệp (thông thường là doanh nghiệp thống lĩnh trong ngành hoặc các hiệp hội ngành nghề) để các tiêu chuẩn được ban hành theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn được thực hiện dựa trên các tài trợ về tài chính từ doanh nghiệp cũng vì lẽ đó đều trở nên không đáng tin. Nói như thế không có nghĩa quá trình ban hành phải loại bỏ hoàn toàn các doanh nghiệp trong ngành. Thực tiễn đã chứng minh sự đóng góp của “người trong cuộc” luôn mang lại những kiến nghị thú vị.

Quay trở lại sự kiện đang được quan tâm trong vài ngày nay là việc 18.000 chai tương ớt nhã hiệu Chin su của Masan bị thu hồi ở Nhật Bản. Theo các thông tin từ truyền thông, các sản phẩm này không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Nhật Bản nên phải bị ngưng lưu hành. Giả định rằng, các sản phẩm [tương ớt] của Masan là phù hợp với TCVN. Có hai điều cần làm rõ liên quan đến việc này:

Thứ nhất: Tiêu chuẩn Nhật Bản cao hơn VN, nên việc họ cho ngừng lưu hành một sản phẩm đáp ứng TCVN là chuyện rất bình thường. Và điều này cũng không làm cho sản phẩm Masan cũng bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Nhưng điều đó nó cũng phản ánh một khía cạnh đó là sản phẩm của Masan không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất về tính an toàn cho sức khoẻ người dùng. Thân phận của người dùng Việt Nam đôi khi thật đáng thương khi đem hai bộ TCVN và TCNB đặt trên bàn cân so sánh.

Thứ hai: Cách truyền thông của Masan là rất nhanh. Nhưng rõ ràng, có mấy điểm bị “đánh tráo khái niệm” trong các thông tin mà Masan đang truyền tải:
1. Sản phẩm của Masan bị cấm lưu hành ở Nhật Bản vì chứa các chất phụ gia (axit benzoic, axit sorbic…) với hàm lượng cao mà theo qui định của Nhật Bản là không an toàn cho người dùng Nhật Bản. Xét về bản chất là khác hoàn toàn so với vi phạm qui định không ghi nhãn phụ.

2. Ngay cả trong thông cáo Masan truyền tải, “có thể Nhật Bản đã mua sản phẩm lưu hành độc quyền ở thị trường Việt Nam” thì đó cũng là một chuyện quá thể. Một doanh nghiệp giàu có nhờ thị trường này, nhưng cách họ xác định chiến lược kinh doanh chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn ở mức rất thấp của Việt Nam, và nếu có thể xuất khẩu, họ sẽ đặt một tiêu chuẩn an toàn hơn cho các nước khác. Xét ở khía cạnh chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn, điều này là thú vị. Nhưng xét ở tầm của một doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu, thì tư duy này hơi khó chấp nhận.

Cũng vì thế mà “lão đại” đã từng chia sẻ với chúng tôi rằng gốc rễ của sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp là phải dựa vào sự vượt trội của sản phẩm. Trong trường hợp chiến lược phát triển chỉ dựa vào tư duy ngắn hạn và thiếu vắng hoàn toàn ý niệm về trách nhiệm xã hội thì sẽ rất khó để doanh nghiệp gia nhập vào thị trường toàn cầu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.