Cua lại vợ bầu và phép nguỵ biện


Tết, ngoài bánh chưng và thịt kho tàu, năm nay lại có thêm vài vụ thú vị. Số là phim Việt “Cua lại vợ bầu” [PHIM ]do Trấn Thành [TT] đầu tư và thủ vai, xảy ra vụ lùm xùm [như cách mà TT vẫn vướng vào].

Số là, PHIM được đánh giá rất cao trong những ngày đầu mới ra mắt [9.2/10]. Tuy vậy, sau đó khi phim được công chiếu, thì PHIM bị nhiều đánh giá thấp [1/10]. Kết quả là trung bình, PHIM chỉ còn đâu khoảng 6.7/10.

Ngay lập tức TT đã đăng đàn fb như sau:

Anh em chúng tôi đã rất cố gắng làm phim tử tế cho khán giả thưởng thức, chúng tôi có xứng đáng bị đối xử như vậy không? Ai đó làm chuyện này, xin hãy suy nghĩ lại!

[Nguồn: fb TT ngày 06 tháng 2]


Nhìn từ góc độ của dân Luật, thì TT đang thực hiện một thủ thuật kinh điển: Phép NGUỴ BIỆN [Fallacies]. Có ba [03] tình tiết cần đánh giá trong lập luận của TT:


Một là: Đoàn làm phim đã cố gắng làm phim tử tế.

“Cố gắng làm phim tốt” cũng là một yếu tố mang tính mù mờ cao. Bởi không có bất kì một thước đo và/hoặc bằng chứng nào để xác thực yếu tố này. Tuy vậy điều quan trọng hơn là việc đoàn làm phim đã rất cố gắng không đồng nghĩa với việc kết quả sẽ tạo ra một bộ phim tốt. Nói cách khác, trong trường hợp này TT đã sử dụng một thủ thuật nguỵ biện trong nhóm nguyên nhân & kết quả. Nói một cách nặng lời thì đây chính là nguyên nhân sai (non causa pro causa). 



Hai là: Chúng tôi có xứng đáng bị như vậy hay không?

Đây là một dạng ngụy biện lợi dụng cảm xúc (ad misericordiam). Vấn đề quan trọng là chúng ta đang đánh giá về chất lượng của bộ phim, không phải là sự xót thương hoặc tình cảm gì ở đây. Tuy vậy, kĩ thuật này lại là một kỹ thuật hữu hiệu trong bối cảnh của Việt Nam, đặc biệt khi người sử dụng là các nghệ sỹ hoặc những người có ảnh hưởng lớn trên môi trường mạng. Một fan club hùng hậu sẽ là xuất phát điểm tốt cho nguỵ biện ad misericordiam thành công. 


Ba là: Ai đó làm chuyện này, xin hãy suy nghĩ lại.

Tuyệt cú mèo. Đây là một trong những dạng nguỵ biện kinh điển và được sử dụng nhiều nhất: Ngụy biện công kích (ad hominem). Theo đó, thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người tranh biện lại lái vấn đề đi chỗ khác theo kiểu như “bỏ bóng đá người”. Ai đó làm chuyện [cho điểm thấp này] làm ơn nghĩ lại. Câu này thoạt nghe, cảm giác rất đau đớn cho TT. “Phim của tôi tốt vậy, sao mà anh lại làm cái chuyện ác nhơn vậy hả”.


Chỉ trong một status ngắn ngủi, nhưng TT đã sử dụng ít nhất là 3 phép nguỵ biện ở mức độ đỉnh cao. Phương Tây có một câu khá thú vị: “Past Performance Is No Guarantee of Future Results”. Dù ai có nói gì, tôi vẫn tin TT là một nghệ sỹ tài năng. Tuy vậy, tài năng ở đây phải hiểu rằng bạn đánh giá đúng đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới. Đối tượng đó là những người bình dân và/hoặc các bạn đang cần những thứ xôi thịt một tí để vui. Việc bạn kiếm được nhiều tiền hay xuất hiện ở hàng loạt các show truyền hình không đồng nghĩa bạn là một nghệ sĩ có tầm nhìn. Nói đơn giản cùng là khoe thân xác nhưng khoảng cách giữa các người mẫu playboy và thiên thần của victoria secret khác nhau lắm, Thành ạ. Mặc dù không nên chỉ dựa vào performance của bạn trong quá khứ, nhưng thú thật chính performance đó đã lột tả về bạn kha khá. 


Môi trường số mang lại cho người ta nhiều cơ hội, kể cả những người tài năng thật sự và cả những kẻ lắm chiêu. Điều quan trọng, môi trường số cũng là nơi mà người ta có thể “chơi nhau” một cách ẩn danh với mức đọ sát thương lớn. Luật chơi là như vậy. Làm thế nào mà chỉ muốn chạy xe vượt tốc độ mà đòi rủi ro phải ở mức độ thấp như như xe đạp được?

Cám ơn Nghệ sỹ Trấn Thành đã cung cấp chất liệu sinh động cho tôi viết bài giới thiệu về phép nguỵ biện cho các bạn hành nghề Luật.

Nhận xét

Đăng nhận xét