Giám đốc có quyền kí hợp đồng?

Một câu chuyện xảy ra trên thực tế, giám đốc A thay mặt công ty kí kết hợp đồng với đối tác. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó. Vấn đề là điều lệ của công ty  qui định, chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật chứ không phải là giám đốc A.

 Từ câu chuyện này, vấn đề đặt ra là liệu rằng giám đốc công ty có quyền thay mặt công ty giao kết hợp đồng hay không?
Để lí giải cho thẩm quyền của giám đốc trong việc kí kết hợp đồng cần nhìn nhận trên hai phương diện: chức năng và pháp lý.

Chức năng của giám đốc
Các thành viên, cổ đông cùng nhau bỏ tiền thành lập công ty. Về mặt luật pháp gọi là sở hữu chung theo phần. Ấy là vì các thành viên dù nhiều dù ít đều có phần trong công ty. Một cách công bằng, ai bỏ vào nhiều hơn thì quyền hành nhiều hơn tương ứng với phần vốn mà họ bỏ ra. Vì thuộc quyền sở hữu của nhiều người nên vấn đề rắc rối là quản lí công ty này như thế nào đây? Ai sẽ là người quản lí. Vì dẫu rằng do nhiều người thành lập nhưng để tất cả mọi người quản lí sẽ rất khó khăn. Do vậy, giao cho một người quản lí. Người này có thể là thành viên công ty hoặc không. Để bảo đảm vai trò của người bỏ vốn thành lập công ty, các thành viên chỉ thực hiện chức năng quyết định cao nhất, thường những vấn đề mang tính chiến lược hoặc mang tính định hướng, còn công việc hàng ngày thì giao cho người quản lí lo liệu. Đó là ta đang bàn đến Giám đốc và Hội đồng thành viên.
Để có thể điều hành hoạt động hàng ngày của công ty các ông chủ  thừa nhận giám đốc là người có quyền thay mặt cho mình, nói theo ngôn ngữ của luật là đại diện cho công ty. Việc thay mặt này trước hết là trong nội bộ công ty. Giám đốc  phải có quyền nhân danh công ty. Chỉ khi giám đốc nhân danh công ty, người giám đốc này nói nhân viên mới nghe và phục tùng. Bởi vì anh ta đang nhân danh công ty, người đã bỏ tiền ra để thuê nhân viên theo hợp đồng lao động. Điều này không có gì phải bàn cãi. Vì trong công ty ai cũng biết ông làm giám đốc, ông ta có quyền như vậy. Người nhà mà!

Nhưng mục đích mở công ty là để mua bán với các công ty, cá nhân khác để kiếm lời. Do vậy, vai trò thay mặt của giám đốc còn được nhìn nhận trong mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức khác (tạm gọi là người ngoài). Trong mối quan hệ với các đối tác, vấn đề hơi khác một chút so với trong nội bộ của công ty. Sự khác biệt đó là người trong công ty thì biết ông giám đốc, quyền hành ông này thế nào. Còn người ngoài thì họ không biết điều đó. Do vậy, các ông chủ (công ty) phải giới thiệu ông giám đốc A là người có quyền thay mặt công ty. Tới đây, vai trò của ông giám đốc được mở rộng trong quan hệ bên ngoài (đối ngoại).

Tư cách pháp lý của giám đốc
Các ông chủ thành lập ra công ty, một pháp nhân độc lập với các ông chủ. Các hoạt động của nó phải thông qua người đại diện. Ai đại diện cũng được, miễn là phải thông báo rộng rãi cho các bên biết. Mục đích của việc thông báo rộng rãi này trước hết là nhằm để các bên liên quan biết, tiện cho việc giao dịch. Nhưng mục đích quan trọng nhất là công ty không chối bỏ nghĩa vụ khi xảy ra tranh chấp. Nhưng công ty có quan hệ với nhiều cá nhân, tổ chức sao mà thông báo cho đến từng cá nhân tổ chức được. Do vậy việc “thông báo” này công ty ghi nhận vào trong điều lệ. Điều lệ này có sự giám sát của Nhà nước (cơ quan đăng kí doanh nghiệp) rồi. Ai muốn tìm hiểu, cứ đọc điều lệ của công ty.

Về mặt học lí, mỗi công ty, chỉ có một người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm đối với mỗi quan hệ. Điều này cũng tương tự như một chiếc áo. Công ty là chiếc áo. Chiếc áo thì chỉ có một người mặc. Đó là người đại diện theo pháp luật. Nhưng người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác, thay mình đại diện cho công ty. Chuyện này cũng giống như chủ nhân chiếc áo có quyền cho người khác mượn cái áo của mình mặc vài hôm, đi ăn tiệc xong rồi trả lại.

Một chiếc áo mà cả hai người cũng chen nhau mặc cùng một lúc thì chiếc áo sẽ bị rách. Chưa kể người lạ nhìn cái việc hai người mặc chung một chiếc áo sẽ chẳng coi đó là việc ăn mặc bình thường, khéo đâu lại bảo “chuyện của mấy người điên”!
 Luật doanh nghiệp, điều 55 về vai trò thay mặt công ty giao kết hợp đồng. Theo đó luật qui định giám đốc có quyền “Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên”. Xuất phát từ chức năng của giám đốc là người có quyền điều hành hoạt động hàng ngày, luật qui định cho giám đốc quyền giao kết hợp đồng. Cần lưu ý, bản chất của qui định này nhằm tạo sự thuận tiện. Giám đốc là người điều hành, biết rõ ràng quan hệ hợp đồng đó. Giao cho giám đốc kí kết hợp đồng là tiện nhất! Nhưng cũng phải cần thể hiện một cách minh thị chứ. Nếu không thể hiện ý chí của công ty trong việc giao cho giám đốc kí hợp đồng, sau này công ty sẽ từ chối trách nhiệm.

Dưới góc độ Luật học, người ta thừa nhận có đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật được hiểu là đương nhiên được đại diện mà không cần làm thêm bất kì thủ tục nào. Trong trường hợp của công ty này, người đại diện được xác định là chủ tịch hội đồng thành viên rồi. Ông giám đốc A không phải là người đại diện theo pháp luật. Còn đại diện theo ủy quyền là việc đại diện cần phải được người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền. Chỉ trên cơ sở ủy quyền đó, giám đốc A mới có quyền thay mặt công ty để giao kết hợp đồng.

Như vậy, vấn đề là chỉ riêng điều 55 của luật doanh nghiệp, chưa đủ cơ sở để giám đốc thay mặt công ty giao kết hợp đồng và càng thiếu cơ sở ràng buộc trách nhiệm công ty do A làm giám đốc kí kết hợp đồng, trong trường hợp xảy ra vấn đề bồi thường các tổn thất. Điều 55 nếu đọc không kĩ, rất dễ nhầm lẫn là luật doanh nghiệp qui định sai. Vì đọc trong các qui định của Luật doanh nghiệp (cụ thể điều 49) có thấy chỗ nào nói về thẩm quyền kí kết hợp đồng của Chủ tịch hội đồng thành viên đâu? Thật ra là có. Vì luật doanh nghiệp qui định, trong công ty TNHH, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nghĩa vụ công ty phải lực chọn và ghi vào trong điều lệ. Tới đây vấn đề đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Logic của vấn đề là:
Nếu Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật, ông ấy sẽ là người có quyền kí kết, giám đốc không có quyền kí kết hợp đồng (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ tịch là như vậy).
Còn trong trường hợp giám đốc là người đại diện, thì giám đốc kí là hợp lẽ, ông Chủ tịch làm gì có thẩm quyền.

Bởi vậy, giải pháp đặt ra trong trường hợp giải quyết vấn đề về thẩm quyền của giám đốc trong việc kí kết hợp đồng được nhìn từ góc độ của điều lệ công ty và quyết định bổ nhiệm giám đốc hoặc hợp đồng thuê lao động. Theo đó, mặc dù điều lệ công ty qui định Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật, nhưng cũng có thể ghi nhận trong những trường hợp nhất định hoặc đối với những giao dịch có giá trị đến bao nhiêu phần trăm tài sản của công ty thì giám đốc có quyền giao kết. Đó được coi là những ủy quyền thường xuyên mang tính dài hạn. Tương tự, có thể ghi nhận điều này trong quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê giám đốc. Chỉ khi có ủy quyền như vậy thì giám đốc mới có quyền thay mặt công ty kí kết hợp đồng. Còn trong trường hợp không có những ủy quyền mang tính tương tự, các hợp đồng được kí kết bởi giám đốc sẽ đối mặt với khả năng bị tuyên vô hiệu bởi lí do hợp đồng được kí kết bởi người không có thẩm quyền.
Bài này tôi đã đăng trên báo DDDN ngày 21/10/2012

Nhận xét