Mục
đích của M&A là nhằm gia tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh hoặc giảm
bớt/ loại bỏ sức ép cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh. Các mục đích này có
thể là các mục đích mang tính đơn lẻ, nhưng đôi khi cũng có thể song hành với
nhau. Nhìn từ góc độ chuỗi sản xuất, một qui trình sản xuất được bắt đầu từ
nguyên liệu đầu vào, sản xuất, phân phối và bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Để
tối ưu hoá chi phí và bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng, một doanh nghiệp
sản xuất có thể thôn tính một doanh nghiệp phân phối. Nhưng đôi khi, doanh
nghiệp cũng có thể thôn tính hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp đối thủ của
mình để loại bỏ sức ép về cạnh tranh. Qua đó, doanh nghiệp có thể cắt giảm sản
lượng, tăng giá sản phẩm.
Từ
đó, cần phải thấy M&A không phải là một chế định pháp luật. Nói cách khác,
thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không có một luật, bộ luật hoặc một
chế định M&A để điều chỉnh hoạt động này.
Về bản chất M&A là giải pháp, công cụ pháp lý mà luật sư sử dụng để
hiện thức hoá yêu cầu của nhà quản trị doanh nghiệp.
Cũng
vì thế, pháp luật các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thường
không quy định cụ thể một khái niệm chung về M&A. Khái niệm “sáp nhập” và
“mua lại” được định nghĩa dưới góc độ các quy trình độc lập trong các giao dịch
đầu tư giữa các chủ thể kinh doanh. Giao dịch M&A liên quan tới nhiều đối
tượng và quan hệ pháp luật khác nhau vì vậy nó phải chịu sự điều chỉnh của
nhiều ngành luật khác nhau, như luật đầu tư, luật công ty, luật kinh doanh
chứng khoán, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ, luật lao động, luật thuế…
Tại các quốc gia phát triển vận hành trên nền tảng kinh tế thị trường, hệ thống
pháp luật điều chỉnh M&A rất phức tạp và đồ sộ, vì M&A được coi là một
trong những động lực phát triển của các chủ thể kinh doanh trong một nền kinh
tế vả đồng thời cũng có thể bóp méo thị trường tác động tiêu cực tới sự phát
triển bền vững của nền kinh tế.
Với
xuất phát điểm như vậy, tất cả các hình thức M&A được trình bày trong
chương này được nghiên cứu dựa trên các công cụ mà pháp luật doanh nghiệp và
pháp luật hợp đồng cung cấp nhằm đáp ứng cho mục tiêu gia tăng hiệu quả của
hoạt động kinh doanh và/hoặc giảm bớt/ loại bỏ sức ép cạnh tranh từ các đối thủ
cạnh tranh. Nhìn từ góc độ kinh tế, người quản trị không cần quan tâm đến hoạt
động này được định danh là Thâu tóm hay sáp nhập. Cái mà họ quan tâm, đó là:
- Doanh nghiệp họ đang điều hành đang muốn mở rộng qui mô và/hoặc muốn loại bỏ sức ép cạnh tranh;
- Nguồn lực mà họ đang có là bao nhiêu tiền;
- Giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu;
- Tương quan về qui mô và tiềm lực giữa họ và các doanh nghiệp mục tiêu là gì.
Vậy
là, giải pháp cho bài toán mà người quản trị doanh nghiệp sẽ được giải đáp
thông qua việc lựa chọn hình thức mua cổ phần hay mua tài sản, sáp nhập hay hợp
nhất, hoán đổi cổ phiếu hay chi trả tiền mặt.
Như
vậy, mặc dù từ góc độ lý luận, hai khái niệm sáp nhập và mua lại doanh nghiệp
có nội hàm khác nhau cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, trong thực tiễn
kinh doanh, hai hoạt động này có nhiều sự giao thoa và đôi khi rất khó phân
biệt rạch ròi. Chẳng hạn khi một công ty thâu tóm cổ phần của một công ty khác
nhưng lại trả cho các cổ đông của công ty mục tiêu bằng cổ phiếu của mình (stock
swap) thì giao dịch này thực chất không khác gì một giao dịch sáp nhập. Công ty
thực hiện hoạt động sáp nhập không sử dụng thặng dư vốn của mình để mua cổ phần
của công ty mục tiêu, mà lại “trả” cho các cổ đông của công ty mục tiêu bằng cổ
phiếu của mình. Sự hoán đổi cổ phiếu giữa hai công ty trong giao dịch này sẽ
làm cho các cổ đông của công ty mục tiêu trở thành cổ đông của công ty sáp
nhập. Giao dịch này hàm chứa đặc điểm
của cả sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp.
Một
thực tế pháp lý được chấp nhận phổ biến ở các nước có nền kinh tế phát triển,
một thương vụ được coi là sáp nhập (merger) hay mua lại (acquisition) phụ thuộc
vào việc, thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện (friendly takeover) giữa
hai bên hay diễn ra một cách thù địch (hostile takeover). Giao dịch sáp nhập và
mua lại thù địch là khi một doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, mua lại mà doanh
nghiệp đối tượng/mục tiêu không chấp nhận. Tuy vậy, cần lưu ý rằng câu chuyện
“thân thiện” hay “thù địch” về bản chất không liên quan gì đến M&A và cũng
không phải là hình thức của M&A. Dưới góc độ pháp lý, khi đề cập đến “thân
thiện” hay “thù địch”, nó chỉ là một trong các yếu tố để người luật sư cân nhắc
đến trong việc kiểm soát rủi ro. Có nghĩa là, với việc “phản kháng” hoặc “hợp
tác” của các cổ đông/ người quản lý của doanh nghiệp tiềm năng,nó sẽ ảnh hưởng
như thế nào đến việc đạt được mục tiêu đặt ra khi tiến hành M&A cũng như
rủi ro (nếu có) sẽ như thế nào. Từ đó, hoàn cảnh “thân thiện” hay “thù địch” sẽ
ảnh hưởng đến lựa chọn hoán đổi cổ phiếu hay mua tài sản là giải pháp tối ưu.
Do
đó, trong phần này chúng tôi sẽ trình bày các hình thức M&A thuộc nhóm Sáp
nhập hoặc Thâu tóm với các đặc trưng chung nhất, lợi ích và rủi ro mà các bên
phải xử lí khi tiến hành giao dịch. Đồng thời, với việc kết hợp hoặc loại bỏ
một/ một vài các yếu tố sẽ hình thành nên những hình thức nằm giao thoa giữa
Sáp nhập hoặc Thâu tóm.
Nhìn
góc độ ngành nghề kinh doanh và quan hệ cạnh tranh, một vài tác giả phân
M&A thành ba hình thức: M&A ngang (Horizontal M&A), M&A dọc
(Vertical M&A) và sáp nhập tổ hợp (Mixed M&A).
…
Tuy
vậy, theo chúng tôi, việc phân loại M&A dựa trên ngành nghề kinh doanh giữa
các bên của M&A để chia thành Ngang, Dọc hay Hỗn hợp là chưa chính xác. Bởi
lẽ, ngang hay học, hay hỗn hợp chỉ nói lên đó là giao dịch này sẽ diễn ra giữa
ai và ai. Thông qua đó, ta có thể suy đoán mục đích của doanh nghiệp khi tiến
hành M&A là gì: nhằm loại bỏ đối thủ hay tối ưu hoá chi phí sản xuất...Điều
quan trọng là cho dù ngang hay dọc, thì trước hết các bên vẫn phải lựa chọn Hợp
nhất doanh nghiệp hay sáp nhập doanh nghiệp, hoá đổi cổ phiếu hay mua lại cổ
phần... Đó mới chính là các hình thức của M&A. Nói cách khác, các hình thức
của M&A được hiểu là cấu trúc giao dịch diễn ra như thế nào, chứ không phải
là đi trả lời cho câu hỏi các doanh nghiệp tham gia giao dịch có phải là đối
thủ của nhau hay không?. Việc cùng ngành hay khác ngành, không phải là hình
thức của M&A. Với mục tiêu bảo vệ cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của Việt
Nam, xác định chỉ các giao dịch M&A giữa các doanh nghiệp cùng ngành mới là
giao dịch M&A chịu sự kiểm soát.
[Trần
Việt Dũng, Phạm Hoài Huấn – M&A tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến cấu trúc
giao dịch]
Nhận xét
Đăng nhận xét