Tranh chấp quản trị 04: Những cổ đông giận dữ

Tóm tắt
Tư vấn về Quản trị Công ty luôn phải đối mặt và phải tìm lời giải cho những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông khác nhau. Chuyện các cổ đông bất đồng với đường lối quản trị của BOD (mà thường đứng sau đó là [các] cổ đông lớn) là chuyện bình thường.
Qui trình quản trị, mà trong đó qui trình tiến hành Đại hội đồng cổ đông là một trong những yếu tố luôn bị “soi” nhiều nhất. Một lần nữa, tranh chấp này nhấn mạnh đến yếu tố tuân thủ qui trình và thể thức hồ sơ. 


Vụ việc

Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Hoàn Kiếm (gọi tắt là công ty Hoàn Kiếm) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 06-08-2003. Lúc đó công ty có 54 cổ đông sáng lập đều là các cá nhân. Đến tháng 7 năm 2007, một số cổ đông công ty đã bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình. Công ty đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trong sổ đăng ký cổ đông. 

Ngày 18-08-2007 Công ty Hoàn Kiếm tổ chức Đại hội đồng cổ đông tổng kết hoạt động kinh doanh  nhiệm kỳ I (2003-2007), đề ra phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ II và  phương hướng phân phối lợi nhuận nhiệm kỳ I và báo cáo của Ban kiểm soát. Có 26/ 26 cổ đông của công ty tham dự. ĐHĐCĐ đã bầu HĐQT mới và HĐQT đã bầu bà Ngô Thị Huệ làm chủ tịch.

Ngày 26 – 03 – 2008 công ty tiến hành ĐHĐCĐ thường niên, nhưng do một số cổ đông phản đối nên công ty đã tổ chức đại hội bất thường vào ngày 11 -04-2008. Trước khi tiến hành, công ty có triệu tập các cổ đông công ty tham dự cuộc họp, nhưng một số cổ đông cho rằng bà Huệ triệu tập Đại hội với tư cách là Chủ tịch HĐQT là không có căn cứ nên không tham dự cuộc họp. Đại hội này có 12 cổ đông tham dự, chiếm tỉ lệ 91,73% vốn điều lệ tham gia.
Đại hội đã quyết định sẽ phát hành thêm cổ phần mới để huy động vốn. Đồng thời, đại hội cũng đã tiến hành sửa đổi điều lệ của công ty.

Ngày 11-07-2008 ông Trường, bà Hằng, ông Dũng, bà Trang, ông Sáng, ông Thông, bà Chính, ông Bính, bà Hiếu, bà Hào là cổ đông của công ty Hoàn Kiếm đã nộp đơn khởi kiện Hội đồng quản trị công ty Hoàn Kiếm ở tòa án với các yêu cầu sau đây:
Cung cấp bản sao danh sách cổ đông có quyền dự họp các ĐHĐCĐ ngày 18-08-2007, ngày 26-03-2008 và ngày 11-04-2008
Cung cấp cho từng cổ đông biên bản và nghị quyết của ĐHĐCĐ ngày 18-08-2007, ngày 26-03-2008 và ngày 11-04-2008
Cung cấp cho từng cổ đông tóm tắt báo cáo tài chính hàng năm của công ty từ năm 2003 đến nay
Để cho các cổ đông cùng với luật sư, kế toán và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo cáo tài chính hàng năm của công ty từ năm 2003 đến nay, báo cáo về tình hình kinh doanh của công ty từ năm 2003 đến nay và báo cáo đánh giá công tác quản lý và điều hành công ty từ năm 2003 đến nay.
[Nguồn: Bản án số 38/2009/KDTM-ST ngày 05-03-2009 của TAND TP Hà Nội]

Các vấn đề

Yêu cầu sao chụp danh sách cổ đông có quyền dự họp
Yêu cầu cung cấp các biên bản quản trị trong quá khứ
Quyền xem xét tàon bộ báo cáo tài chính của công ty

Bình luận

1. Yêu cầu công ty phải sao gửi cho từng người [cổ đông] danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông các ngày 18-08-2007, ngày 26-03-2008 và Đại hội cổ đồng cổ đông bất thường ngày 11-04-2008

Khi thực hiện hành vi góp vốn, thành viên, cổ đông (sau đây gọi tắt là cổ đông) bị mất quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn (Khoản 13 điều 4 và điều 36 luật doanh nghiệp). Đổi lại, họ sẽ có tư cách cổ đông của công ty với các quyền và nghĩa vụ do pháp luật và điều lệ qui định. Một trong những quyền cơ bản của cổ đông là quyền dự tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. 

Để cổ đông có thể thực hiện được các quyền của mình, pháp luật doanh nghiệp yêu cầu khi tiến hành đại hội đồng cổ đông, các bên có liên quan phải tuân thủ một qui trình chặt chẽ. Qui trình này có thể tóm tắt qua các bước sau:
Một là: Lập danh sách các cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ
Hai là: Mời họp ĐHĐCĐ
Như vậy, việc lập danh sách các cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ là một yêu cầu bắt buộc. Theo đó, người triệu tập họp phải lập danh sách này. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn (Khoản 1 điều 137 LDN).

Như vậy, Khoản 1 điều 137 LDN, các thông tin trên sổ đăng kí cổ đông là cơ sở để xác định quyền dự họp ĐHĐCĐ. Từ đó sẽ nảy sinh khả năng là không phải cứ là cổ đông của công ty là có quyền dự họp ĐHĐCĐ. Trong trường hợp các cổ đông đã chuyển nhượng cổ phần trước ngày tiến hành và người nhận chuyển nhượng chưa được cập nhật thông tin vào trong sổ đăng kí cổ đông thì họ sẽ không có tên trong danh sách này. Điều đó cũng đồng nghĩa, người này không có quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ.

Tuy vậy, cũng có khả năng có sự sai sót trong quá trình lập danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ. Do đó, nhằm bảo đảm quyền lợi của cổ đông, pháp luật doanh nghiệp qui định quyền kiểm tra danh sách.
Theo qui định tại điểm đ, khoản 1, điều 114 LDN cổ đông có quyền “xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác”.

Đồng thời, khoản 3 điều 137 LDN  cũng qui định “cđông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông; yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin cần thiết về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông. Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin sổ đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu”. 

Đối chiếu với vụ việc đang được bình luận, có vẻ như yêu cầu của các Nguyên đơn là phù hợp với qui định của luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi vào chi tiết cần thiết phải xác định: liệu rằng qui định về quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được qui định tại khoản 3 điều 137 LDN là quyền xảy ra trước khi tiến hành ĐHĐCĐ hay đó là quyền luôn luôn tồn tại? Nói cách khác, bất kể lúc nào cổ đông cũng có quyền yêu cầu kiểm tra trích lục, sao chép các danh sách này, cho dù cuộc họp ĐHĐCĐ đã xảy ra nhiều năm về trước?

Xét về mặt ngôn ngữ, khoản 3 điều 137 LDN không làm rõ vấn đề này. Cho nên, để có thể trả lời câu hỏi trên, nhất thiết phải xác định: Mục đích của quyền kiểm tra này của cổ đông là gì? Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông là cơ sở để ban tổ chức cho phép hoặc từ chối việc tham dự cuộc họp của các bên có liên quan. Cho nên, bản chất của việc kiểm tra này có hai mục đích là: tránh các sai sót về mặt thông tin của cổ đông hoặc tệ hơn là tránh việc bỏ sót cổ đông công ty. Từ đó, ta thấy ý nghĩa của quyền kiểm tra này là bảo đảm rằng quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ của cổ đông là vẫn được bảo đảm. 

Mặt khác, nhìn từ góc độ lập pháp, các qui định từ điều 136 đến 147 LDN đang mô tả một chuỗi diễn tiến của qui trình từ khi khi lập danh sách cho đến triệu tập cuộc họp, tiến hành và yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ. Trong tiến trình đó, việc lập danh sách và yêu cầu sửa các sai sót của danh sách (nếu có) phải là qui trình được tiến hành trước khi xảy ra ĐHĐCĐ.

Từ đó, có thể kết luận, yêu cầu của các nguyên đơn về việc cung cấp danh sách cổ đông của các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông các ngày 18-08-2007, ngày 26-03-2008 và Đại hội cổ đồng cổ đông bất thường ngày 11-04-2008 là không có căn cứ.

2. Yêu cầu được công ty sao gửi biên bản Đại hội đồng cổ đông các ngày 18-08-2007, ngày 26-03-2008 và ngày 11-04-2008; Yêu cầu được nhận bản sao có dấu của điều lệ công ty

Theo qui định tại điểm e khoản 1 điều 114 LDN thì cổ đông có quyền “xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông”.

Tuy vậy, có hai vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất: Có giới hạn nào cho việc xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hay không? Bởi theo qui định tại điều 147 về quyền yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ thì:
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật này;
2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Đồng thời, khoản 3 điều 148 LDN cũng qui định: “Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 147 của Luật này, thì các nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, có thể thấy thời hạn để các cổ đông yêu cầu tòa án hoặc trọng tài hủy các nghị quyết chỉ giới hạn trong 90 ngày. Cho nên, theo qui định tại khoản 3 điều 148 LDN khi hết thời hạn này, cổ đông mất quyền khởi kiện để yêu cầu tuyên hủy các nghị quyết này.

Nhưng vấn đề quyền sao chụp, trích lục các biên bản và nghị quyết của ĐHĐCĐ không đồng nghĩa với quyền khởi kiện. Bản chất của điều 147 và khoản 3 điều 148 LDN chỉ giới hạn thời gian yêu cầu khởi chứ không giới hạn thời gian tra cứu trích lục các loại giấy tờ này.

Nhìn từ góc độ sở hữu, là người góp vốn vào công ty, cổ đông được xác định là đồng chủ sở hữu chung của công ty. Là chủ sở hữu, việc được tiếp cận, biết các thông tin về công ty là hợp lí. Cho nên, xét tất cả các yếu tố trên, có thể kết luận yêu cầu của nhóm ông Trường, bà Hằng là không trái luật và hợp lí.

Thứ hai: Yêu cầu sao chụp Điều lệ công ty
Quyền sao chụp điều lệ công ty được qui định rõ ràng tại điểm e khoản 1 điều 114 LDN “xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty”. Cho nên yêu cầu sao chụp điều lệ là yêu cầu chính đáng. 

3. Để cho các cổ đông cùng với luật sư, kế toán và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo cáo tài chính hàng năm của công ty từ năm 2003 đến nay, báo cáo về tình hình kinh doanh của công ty từ năm 2003 đến nay và báo cáo đánh giá công tác quản lý và điều hành công ty từ năm 2003 đến nay


Điểm b khoản 2 điều 114 LDN qui định cổ đông có quyền xem xét và trích lục báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy vậy, cần phải lưu ý là quyền này chỉ áp dụng đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Cho nên nếu như nhóm ông Trường, bà Hằng chưa sở hữu đến mức mà pháp luật qui định thì không có quyền này.

Giả định rằng, trong trường hợp nhóm ông Trường, bà Hằng đạt đến tỉ lệ sở hữu cổ phần theo qui định tại Điểm b khoản 2 điều 114 LDN thì cũng chỉ có quyền xem xét và trích lục các báo cáo tài chính chứ họ không có quyền cùng với luật sư, kế toán và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Trong trường hợp nhóm ông Trường, bà Hằng không tán thành với các báo cáo thì họ chỉ có quyền yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra và khởi kiện ra tòa án đối với người quản lý của công ty chứ không có quyền trực tiếp thuê kiểm toán viên đến kiểm toán một cách trực tiếp (Điểm d khoản 2 điều 114 LDN)

Cần lưu ý rằng Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra.

Tranh chấp được trích từ: TRANH CHẤP ĐIỂN HÌNH TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP  - PHẠM HOÀI HUẤN (CHỦ BIÊN)

Nhận xét