Vấn đề khắc phục sai sót của tố tụng trọng tài


Bài đăng trên Tạp chí NN&PL số 4(324) năm 2015        
Đặt vấn đề
Với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp mang tính lựa chọn, pháp luật tố tụng ghi nhận việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại (TTTM) là độc lập với toà án. Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận tính độc lập của TTTM, trong quá trình tố tụng trọng tài, pháp luật các nước vẫn quy định quyền can thiệp mang tính tương hỗ của toà án trong những trường hợp nhất định. Dù còn nhiều quan niệm khác nhau trong pháp luật của các nước nhưng chung qui lại, vai trò của toà án đối với hoạt động TTTM được thể hiện ở hai khía cạnh: hỗ trợ và can thiệp. 

Vai trò hỗ trợ của tòa án đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thể hiện ở việc tòa án chỉ định trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có yêu cầu của các bên tranh chấp, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hoặc xem xét việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài … Vai trò can thiệp của tòa án đối với hoạt động trọng tài thể hiện ở việc giải quyết khiếu nại về quyết định của hội đồng trọng tài liên quan đến thỏa thuận trọng tài hoặc giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Về nguyên tắc, trọng tài là một phương pháp giải quyết tranh chấp độc lập với tòa án. Việc các bên đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết thể hiện quyền tự quyết của các bên trong hoạt động kinh doanh được pháp luật thừa nhận. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm, tòa án không có quyền can thiệp trừ những trường hợp luật định. Như vậy việc can thiệp của tòa án vào tố tụng trọng tài cũng chỉ hạn chế trong một số trường hợp nhất định mà về nguyên tắc là nhằm đảm bảo trật tự công cộng – thể hiện chức năng quan trọng của cơ quan tư pháp Nhà nước đối với một thể chế phi chính phủ như trọng tài. Như vậy, xét về mục đích, việc can thiệp của tòa án đối với hoạt động của trọng tài cũng là nhằm mục đích hỗ trợ, nâng cao uy tín và vị thế của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp từ hoạt động kinh doanh, thương mại, góp phần chia sẻ gánh nặng xét xử của tòa án. 
Thẩm quyền của toà án liên quan đến vấn đề huỷ phán quyết trọng tài đã có sự thay đổi trong thời gian qua tại Việt Nam. Từ chỗ toà án chỉ có quyền huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài, đến chỗ thừa nhận khả năng toà án dành cơ hội cho trọng tài được khắc phục các sai sót trong quá trình tố tụng nhằm tránh việc huỷ các phán quyết trọng tài[1]

Tuy nhiên, trong thực tế gần đây, tỉ lệ hủy các phán quyết trọng tài ở nước ta tương đối cao, điều này có những ảnh hưởng bất lợi việc quyết định lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp – một phương pháp giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại được coi là có nhiều ưu việt. Tác động này là không tốt đến môi trường kinh doanh nếu việc hủy phán quyết đơn thuần chỉ xuất phát từ những sai sót không không nghiêm trọng, hay nói cách khác là những sai sót không làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết tranh chấp của trọng tài. Bài viết này này tập trung phân tích quy định tại Khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 54/2010/QH12 (Luật TTTM) về quyền của các bên trong việc yêu cầu toà án tạm đình chỉ việc xem xét hủy quyết định trọng tài và dành cho trọng tài cơ hội được sửa các sai sót để tránh việc phán quyết bị huỷ.

Trong khuôn khổ của bài viết, vấn đề này được khảo cứu trên ba phương diện:
  • Một là: Cơ sở của việc đẩy mạnh khả năng cho phép trọng tài khắc phục các sai sót trong tố tụng;
  • Hai là: Cơ sở pháp lý của việc khắc phục các sai sót tố tụng trọng tài; và
  • Ba là: Giới hạn của việc khắc phục các sai sót tố tụng trọng tài.

Cơ sở của việc đẩy mạnh khả năng cho phép trọng tài khắc phục các sai sót trong tố tụng 
Thẩm quyền của TTTM do các bên trao cho. Nói cách khác, ngay từ đầu các bên đã ý thức được rằng việc giải quyết tranh chấp bằng TTTM là phù hợp cho các tranh chấp sẽ hoặc đã phát sinh giữa họ. Kết quả của phán quyết trọng tài cũng vì thế được suy đoán là đáp ứng cho nhu cầu và ý chí của các bên. Xuất phát từ nguyên lí về tính ràng buộc của các thoả thuận hợp pháp, các đương sự và các bên có liên quan phải tôn trọng phán quyết ấy[2].

Để có thể ban hành được phán quyết trọng tài, các bên nguyên đơn, bị đơn và trọng tài đã tiến hành rất nhiều công việc khác nhau. Đây là một tiến trình tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Với khả năng và bằng uy tín nghề nghiệp của mình, các trọng tài đã nỗ lực để giải quyết các tranh chấp theo cách thấu tình đạt lý nhất. Việc ra một phán quyết phù hợp với quy định của luật áp dụng và phù hợp với tình tiết vụ việc buộc các thành viên của hội đồng trọng tài đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Việc các phán quyết này bị toà án huỷ (do vi phạm các quy định về tố tụng trọng tài – các quy định pháp luật hình thức) đã làm cho sự đầu tư về thời gian và tiền bạc trong suốt quá trình tố tụng trước đó trở thành lãng phí. Chi phí giao dịch trong trường hợp này cũng vì thế mà gia tăng. Trong khi đó, đôi khi trên thực tế, các sai sót trong tố tụng trọng tài là rất nhỏ, hầu như ảnh hưởng không đáng kể đến quyền lợi ích hợp pháp của các bên cũng như tính khách quan của phán quyết trọng tài. Đơn cử một ví dụ:

Ngày 06/04/2012, theo thụ lí số 160/2012/TLST-KDTM, toà án nhân thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thủ tục xem xét huỷ phán quyết trọng tài theo yêu cầu của công ty TNHH Doanh Ngân. Tại toà, công ty TNHH Doanh Ngân cho rằng hội đồng trọng tài vụ kiện trên đã vi phạm qui tắc tố tụng và Luật Trọng tài thương mại. Trong quyết định số 1536/2012/QĐKDTM-ST ngày 12/10/2012, toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
Căn cứ theo qui định tại khoản 2 điều 20 Quy tắc Tố tụng Trọng tài và khoản 2 điều 54 Luật Trọng tài thương mại qui định: “giấy triệu tập tham dự phiên họp phải được gởi cho các bên chậm nhất 30 ngày trước ngày mở phiên họp”. Tuy nhiên theo văn bản trả lời của Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam và chứng cứ kèm theo thì Hội đồng trọng tài vụ kiện đã không gởi giấy triệu tập cho công ty TNHH Doanh Ngân để tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà chỉ gởi Công văn số 15/VIAC ngày 16/01/2010 với nội dung yêu cầu bị đơn cung cấp thông tin, tài liệu; thông báo thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp và thành phần Hội đồng trọng tài. Tòa án cho rằng, đây chỉ là văn bản Thông báo giải quyết vụ kiện, không phải Giấy triệu tập tham dự phiên họp theo luật định, do đó, Hội đồng trọng tài vụ kiện trên giải quyết tranh chấp khi vắng mặt bị đơn Công ty TNHH Doanh Ngân là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo điểm b khoản 2 điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Vì lý do trên, ý kiến của người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài cho rằng do không được tống đạt giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nên không thể cung cấp chứng cứ và tham gia phiên họp để có yêu cầu phản tố, mời người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo luật định là có cơ sở chấp nhận.

Trong vụ việc nêu trên, rõ ràng là Hội đồng trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng khi chỉ gởi cho công ty này Công văn số 15/VIAC ngày 16/01/2010 với nội dung yêu cầu bị đơn cung cấp thông tin, tài liệu; thông báo thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp và thành phần Hội đồng trọng tài chứ không phải là giấy triệu tập tham dự phiên họp. 

Theo các tác giả, nội dung của Công văn số 15/VIAC chứa đựng đầy đủ các thông tin mà một giấy triệu tập tham dự phiên họp yêu cầu. Điều khác biệt ở đây chỉ là tên gọi của văn bản, hay chính xác hơn là trong công văn này nêu rõ “lời mời” tham dự phiên họp mà chỉ có các thông tin về thời gian, địa điểm diễn ra phiên họp. Như vậy về bản chất, sự vi phạm trong trường hợp này rõ ràng không phải là một vi phạm quá nghiêm trọng và không đáng để huỷ phán quyết trọng tài. 

Mặt khác, như đã phân tích ở trên, một nguyên tắc được thừa nhận một cách rộng rãi là tố tụng trọng tài mang tính độc lập với toà án. Bảo vệ nguyên tắc này là cần thiết, xuất phát từ bản chất của các trung tâm trọng tài là các tổ chức phi chính phủ. Theo đó, nhằm tránh tình trạng thẩm quyền của trọng tài bị loại bỏ bởi toà án, pháp luật phải ghi nhận nguyên tắc này một cách minh thị[3]. Cho nên, ngay cả trong trường hợp bắt buộc phải can thiệp vào hoạt động của trọng tài khi xem xét huỷ phán quyết trọng tài, việc toà án cân nhắc khả năng cho phép Hội đồng trọng tài khắc phục các sai sót để tránh việc phải huỷ phán quyết trọng tài được xem như là đang thực hiện một cách nghiêm chỉnh nguyên tắc tính độc lập của trọng tài như đã đề cập ở trên.

Cơ sở pháp lý của việc khắc phục các sai sót tố tụng trọng tài
Cơ sở của việc khắc phục các sai sót tố tụng trọng tài được qui định tại khoản 7 điều 71 Luật TTTM. Theo đó: “Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng. Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”.

Trên cơ sở của qui định trên, Khoản 3 điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành luật trọng tài thương mại (Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP) cũng qui định “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét đơn yêu cầu xem xét tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khi có yêu cầu của một bên trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM” .

Như vậy, Luật TTTM đã quy định cơ sở pháp lý rõ ràng việc cho phép hội đồng trọng tài sửa chữa các sai sót tố tụng để hạn chế việc phán quyết của mình bị hủy khi thỏa mãn hai điều kiện: 
  • (i) có yêu cầu của một bên tranh chấp và 
  • (ii) tòa án xét thấy cần thiết. 

Trong khi điều kiện thứ nhất là dễ dàng đạt được thì điều kiện thứ hai phụ thuộc nhiều vào quan điểm của tòa án. Pháp luật hiện hành quy định theo hướng tòa án được toàn quyền quyết định có cho phép hội đồng trọng tài sửa chữa sai sót tố tụng hay không. Chính sự quy định không rõ ràng về căn cứ mà theo đó tòa án có thể ra quyết định tạm định chỉ thủ tục hủy quyết định trọng tài để hội đồng trọng tài sửa chữa sai sót khiến cho việc thực thi quy định tại Khoản 7 Điều 71 Luật TTTM trở nên thiếu tính thực tiễn.

 Giới hạn của việc khắc phục sai sót tố tụng trọng tài
Như đã phân tích ở trên, về mặt pháp lý, đã có đầy đủ cơ sở cho việc cho phép hội đồng trọng tài khắc phục các sai sót tố tụng để tránh việc toà án ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài. Vấn đề đặt ra là có giới hạn nào của việc khắc phục sai sót hay không? Tương tự như hoạt động xét xử của toà án, việc giải quyết tranh chấp của trọng tài cũng có thể có sai sót về hình thức (tố tụng) và/ hoặc sai sót về nội dung của tranh chấp. Liệu rằng việc khắc phục sai sót này chỉ dừng lại ở việc khắc phục các sai sót xuất phát từ tố tụng trọng tài hay còn mở rộng phạm vi bằng cách cho phép trọng tài khắc phục cả về nội dung?

Theo quan điểm của các tác giả, việc khắc phục này chỉ giới hạn trong các sai sót về hình thức, tức là các sai sót liên quan đến tố tụng và những sai sót này phải là những sai sót là cơ sở của việc hủy phán quyết trọng tài. Theo qui định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, có 5 căn cứ để huỷ phán quyết trọng tài. Các căn cứ này có thể chia thành hai nhóm:
  • Các căn cứ liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài (các điểm a, b, c, d khoản 2 điều 68) 
  • Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (điểm đ khoản 2 điều 68)

Bản chất của các căn cứ huỷ phán quyết trong nhóm (i) là các sai phạm mang tính hình thức tố tụng. Bài viết này chỉ tập trung vào việc xem xét cho phép trọng tài khắc phục các thiếu sót về tố tụng.

Pháp luật hình thức và pháp luật nội dung có quan hệ mật thiết với nhau. Việc pháp luật cho phép tòa án can thiệp vào tố tụng trọng tài xuất phát từ nguyên tắc “due process of law”[4]. Khi có sự vi phạm các quy định về mặt thủ tục, kết quả việc giải quyết một vụ việc có thể bị ảnh hưởng do quyền và lợi ích của các bên, đặc biệt là quyền được biện hộ, được giải thích của một bên có thể đã không được thực hiện hay được thực hiện không đầy đủ. Vì vậy mà tòa án được quyền can thiệp khi có sự vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên tranh chấp. Vì thế, việc tòa án có hủy quyết định trọng tài hay không chủ yếu dựa vào việc có hay không việc vi phạm thủ tục tố tụng trong tài. Vì vậy mà trong quá trình xem xét căn cứ hủy phán quyết trọng tài, tòa án không xét lại nội dung vụ tranh chấp, có nghĩa là sẽ không xem xét, đánh giá xem liệu việc nhận định dữ kiện và áp dụng pháp luật của hội đồng trọng tài là đúng hay sai. Điều này cũng được khẳng định rõ ràng tại Khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP[5].

Nhìn từ khía cạnh lí luận, toà án không phải là cơ quan cấp trên của trọng tài. Do đó, xét về mặt tổ chức, khó có thể chấp nhận việc những cơ quan tồn tại độc lập với nhau lại có quyền đánh giá liệu rằng việc áp dụng pháp luật của cơ quan khác là đúng hay sai. 

Nhìn từ góc độ qui định của pháp luật trọng tài, việc khắc phục sai sót tố tụng luôn luôn đặt trong bối cảnh của việc toà án đang xem xét việc hủy phán quyết trọng tài có ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài hay không. Nói cách khác, toà án có thẩm quyền và có căn cứ để huỷ phán quyết trọng tài xuất phát từ lí do có các căn cứ để hủy. Như vậy, vì những căn cứ hủy phán quyết trọng tài là những căn cứ mang tính chất thủ tục tố tụng nên việc cho phép trọng tài sửa chữa các sai sót có thể sửa chữa được sẽ vẫn một mặc bảo đảm sự can thiệp của tòa án vào tố tụng trọng tài khi cần thiết, mặt khác nâng cao hiệu quả của tố tụng trong tài. 

Ngoài các căn cứ về hình thức theo của điều 68 Luật TTTM, toà án không có quyền xem xét, đánh giá phán quyết dựa trên các tiêu chí khác (trong đó có việc xem xét lại nội dung áp dụng pháp luật của hội đồng trọng tài).
Tuy nhiên, vấn đề cần được xem xét cẩn trọng là trong trường hợp nào thì trọng tài được phép sửa chữa các sai sót về tố tụng để phán quyết không bị hủy. Theo các tác giả, trọng tài nên được phép sửa chữa tất cả các sai sót tố tụng với điều kiện là việc sửa chữa các sai sót đó không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tranh chấp hay nói cách khác không làm thay đổi kết quả giải quyết tranh chấp. Đây là một đề xuất có ý nghĩa thực tiễn cao vì nếu chỉ là các sai sót không làm thay đổi kết quả giải quyết vụ tranh chấp, hiệu quả của việc khắc phục các sai sót so với việc toà án huỷ phán quyết và sau đó các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp lại từ đầu (bằng toà án hoặc trọng tài) là một sự khác biệt rất lớn. Việc tòa án hoặc có thể là chính trọng tài (nếu các bên vẫn lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp có phán quyết bị hủy) ra bản án, quyết định tương tự về mặt nội dung so với quyết định đã bị hủy thì việc hủy phán quyết trọng tài như vậy là một lãng phí lớn. Pháp luật về trọng tài thương mại cần có quy định cụ thể hơn về các căn cứ để tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ thủ tục xem xét hủy quyết định trọng tài để trọng tài khắc phục sai sót.

Kết luận
Việc cho phép trọng tài khắc phục các sai sót tố tụng trong quá trình toà án xem xét huỷ phán quyết là một việc làm cần phải phát huy trong thời gian tới. Bên cạnh giảm chi phí giao dịch cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, nó còn có ý nghĩa bảo đảm tính độc lập và hiệu quả của hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. 

Tuy vậy để hoạt động này diễn ra một cách hiệu quả, bên cạnh việc bên thắng kiện trong phán quyết trọng tài cần phát huy vai trò chủ động của mình trong việc đề nghị tòa án tạm đình chỉ việc xem xét hủy phán quyết trọng tài để hội đồng trọng tài có cơ hội khắc phục những sai sót, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để tòa án trong quá trình xem xét hủy phán quyết trọng tài có cách hiểu thống nhất trong việc xác định căn cứ để hủy phán quyết trọng tài và giới hạn của những sai sót mà hội đồng trọng tài có thể sửa chữa để hạn chế đến mức tối đa việc hủy phán quyết trọng tài vì những sai sót không nghiêm trọng, không làm ảnh hưởng đến kết quả của phán quyết trọng tài.
Lưu ý: Bài viết này là công trình chung của tác giả và PGS. TS Hà Thị Thanh Bình, khoa Luật Thương mại, ĐH Luật TP.HCM.

[1]Khoản 7 điều 7 Luật TTTM
[2]Điều 4 Bộ luật dân sự
[3]UNCITRAL, Luật mẫu về trọng tài, Điều 5 qui định: “Ðối với những vấn đề do Luật này điều chỉnh, toà án không được can thiệp trừ khi Luật này cho phép
[4]Nguyên tắc đòi hỏi việc tuân thủ các quy định pháp luật hình thức khi xem xét xử lý một hành vi vi phạm. Nguyên tắc này xuất phát từ thời Trung Cổ, khi các nam tước ở Anh chống lại các đặc quyền của nhà vua bằng cách yêu cầu nhà vua phải tuân thủ pháp luật của quốc gia (law of the land) trong Hiến chương Magne Carta nhằm tiết chế quyền lực của nhà nước để bảo vệ các quyền của công dân. Nguyên tắc này sau đó được hoàn thiện trong Bản tu chính án thứ 5 Hiến pháp Hoa Kỳ. Xem Tim Huebner, Review of Orth, John V.,Due Process of Law: A Brief History, H-Paw, H-Net Reviews, June, 2004. http://www.h-net.org/reviews/showrev.php?id=9533Truy cập ngày 18/01/2015.
[5]Theo Khoản 2, Điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM hay không”.

Nhận xét