Tóm tắt
Tranh
chấp về việc Hội đồng quản trị (HĐQT) miễn nhiệm Tổng giám đốc (đóng vai trò là
người đại diện theo pháp luật của Công ty). Xét về mặt lý thuyết, đây là một hoạt
động bình thường, thuộc thẩm quyền của HĐQT. Tuy vậy, thực tiễn xét xử và đăng kí
doanh nghiệp, vấn đề có hơi khác hơn một chút.
Vụ việc
Ngày 18/10/2014,
công ty May Sài Gòn 3 họp HĐQT gồm 7 thành viên biểu quyết nhiều vấn đề, trong
đó có miễn nhiệm bà Thu (Tổng Giám Đốc), 3 thành viên không đồng ý (ông Hồng,
bà Thu, bà Bé) và 4 thành viên đồng ý (ông Sáu, ông Hòa, bà Điệp, bà Tuyết).
Tuy
nhiên, nội dung biểu quyết này không có trong thông báo họp trước đó nhưng các
thành viên đồng ý vẫn ban hành quyết định số 02/2014/QĐ-HĐQT 20/4/2014 thay đổi
người đại diện pháp luật từ bà Thu sang ông Hoài, quyết định số 03/2014/QĐ-HĐQT
miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của bà Thu, quyết định 04/2014/QĐ-HĐQT bổ nhiệm
chức danh Tổng giám đốc cho ông Hòa; làm các thủ tục và nộp hồ sơ xin thay đổi
người đại diện pháp luật đến Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh nhưng
do chưa phù hợp nên không được chấp nhận đăng kí thay đổi.
Do đó,
6/12/2014, HĐQT họp lần nữa để biểu quyết bãi nhiệm bà Thu và kết quả tương tự
như cũ, bị đơn đã gửi đơn đến Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh xin
thay đổi 1 lần nữa.
· Nguyên
đơn (bà Cúc – cổ đông sở hữu 1.55% cổ phần, liên tục ít nhất 1 năm) yêu cầu: hủy
bỏ 4 quyết định 02, 03, 04 và quyết định cuối cùng của HĐQT và yêu cầu bị đơn bồi
thường thiệt hại là 1 tỷ đồng do hành vi chấp thuận trái pháp luật. Đến ngày 13/4/2015,
nguyên đơn rút lại yêu cầu bồi thường.
· Bị đơn
(ông(bà) Sáu, Hòa, Điệp, Tuyết) trình bày: do khi lần đầu nộp đơn xin thay đổi
người đại diện không được Sở kế hoạch và đầu tư đồng ý nên 3 quyết định (02,
03, 04) của HĐQT đã không còn được thực hiện.
Trong
lần họp HĐQT lần 2, kết quả biểu quyết tương tự lần 1 và cả 7 thành viên đã kí
vào biên bản họp, do vậy bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc
hủy bỏ 4 quyết định trên. Ngoài ra còn yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án
vì nguyên đơn và người có quyền và lợi ích liên quan chưa đủ điều kiện khởi kiện.
[Nguồn:
bản án phúc thẩm số 48/2015/KDTM-PT ngày 16/12/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao
thành phố Hồ Chí Minh]
Các vấn đề
·
Quyền yêu cầu thành viên HĐQT bồi thường và yêu cầu hủy nghị
quyết của HĐQT
·
Quyền bãi miễn giám đốc của Hội đồng quản trị
Bình luận
Quyền yêu cầu
thành viên HĐQT bồi thường và yêu cầu hủy nghị quyết của HĐQT
Với tư
cách là cơ quan quản lý, HĐQT trong công ty phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật,
điều lệ công ty. Sẽ có khả năng HĐQT vi phạm các nghĩa vụ của mình và gây thiệt
hại cho công ty và/ hoặc cổ đông. Từ đó đặt ra vấn đề dừng các nghị quyết trái
pháp luật và yêu cầu bồi thường các thiệt hại.
Vấn đề
là: Hai quyền này lại là hai quyền được qui định tách bạch dành cho các [nhóm]
cổ đông khác nhau:
Quyền yêu cầu hủy nghị
quyết của HĐQT
Theo
qui định tại khoản 4 điều 149 LDN 2014 “Khi
thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng
quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của
pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán
thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về
nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông
qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông sở
hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm có quyền yêu
cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện nghị quyết nói trên”.
Bà
Cúc là cổ đông sở hữu 1.55% cổ phần trong CTCP may Sài Gòn 3, với thời gian
liên tục trên 1 năm, đã đáp ứng yêu cầu của LDN về việc yêu cầu HĐQT hủy nghị
quyết. Nhưng xét về mặt tố tụng, qui định tại điều 149 đã đủ là cơ sở để tiến
khởi kiện hay chưa?
Quyền yêu cầu các thành
viên HĐQT bồi thường
Xét về
khía cạnh quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với thành viên HĐQT khoản 1 điều
161 LDN 2014 qui định: Cổ đông, nhóm cổ đông
sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền
tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện
trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng
giám đốc.
Nhìn từ
góc độ này, các cổ đông của CTCP May Sài Gòn 3 hoàn toàn có quyền khởi kiện.
Tuy vậy, bản chất của tất cả các vụ kiện về trách nhiệm và yêu cầu bồi thường
là nguyên đơn phải chứng minh được thiệt hại. Đối chiếu với tình huống này, các
cổ đông của May Sai Gòn 3 hầu như rất khó có cơ sở để chứng minh thiệt hại vật
chất của công ty hoặc cổ đông là bao nhiêu. Do đó, cho đến khi các nguyên đơn
xuất trình được các bằng chứng về các thiệt hại của mình và/ hoặc công ty, việc
yêu cầu bồi thường mới chỉ dừng lại ở góc độ lý thuyết mà chưa thể trở thành
các chế tài đối với các thành viên của HĐQT đã thông qua quyết định thay đổi
giám đốc.
Hội đồng quản trị có quyền thay giám đốc hay không
Khoản
2 điều 134 LDN 2014 qui định “trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật,
thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện
theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch
Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Nói như thế không có nghĩa là
nếu điều lệ không có qui định chủ tịch là người đại diện thì suy đoán giám đốc
là người đại diện. Về mặt pháp lý cũng như thực tiễn về đăng kí doanh nghiệp
không chấp nhận phương án suy đoán.
Rắc rối cũng từ đây mà ra. Theo
qui định của điều 25 LDN 2014, điều lệ công ty phải qui định người đại diện
theo pháp luật của doanh nghiệp. Vấn đề là điều lệ công ty ghi chức danh hay
ghi tên người? Phương án được cơ quan đăng kí kinh doanh chấp nhận đó là cả
hai. Có nghĩa là ở mục đại diện theo pháp luật phải xác định rõ ai là người đại
diện theo pháp luật và người ấy giữ chức vụ gì (chủ tịch hay giám đốc).
Trở lại với tình huống được nêu
ra từ đầu. Hội đồng quản trị miễn nhiệm giám đốc để bổ nhiệm giám đốc mới. Vấn
đề này thuộc thẩm quyền của HĐQT. Nhưng vì giám đốc là người đại diện theo pháp
luật, được ghi nhận trong điều lệ, do vậy thay đổi giám đốc khác cũng đồng
nghĩa là phải sửa đổi điều lệ của công ty. Nhưng khi muốn sửa đổi điều lệ, vấn
đề không còn thuộc thẩm quyền của HĐQT nữa mà đã thuộc quyền của ĐHĐCĐ.
Người đại diện của công ty:
chức danh hay con người?
Khi công ty trao quyền cho giám
đốc, hệ quả là công ty phải chịu trách nhiệm về các hệ quả pháp lý do ông giám
đốc kia thực hiện khi nhân danh công ty. Sau này, công ty đổi ông giám đốc khác,
công ty cũng phải chịu trách nhiệm với các giao dịch do giám đốc cũ thực hiện.
Công ty không thể lấy lí do vì công ty đã thay đổi giám đốc rồi không chịu
trách nhiệm.
Cũng vì lẽ đó, pháp luật doanh
nghiệp qui định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
là người đại diện theo pháp luật của công ty được quy định tại Điều lệ công
ty”. Cái mà pháp luật hướng đến chỉ là CHỨC DANH nào trong công ty sẽ là người
đại diện cho công ty chứ không phải là hướng đến những con người cụ thể.
Cho nên, áp dụng vào trong tình
huống của May Sài Gòn 3, việc HĐQT bãi miễn và thay giám đốc mới là hoàn toàn
phù hợp với thẩm quyền của HĐQT tại điều 149 LDN 2014.
Khuyến nghị
Cho đến
nay, khuynh hướng của các cơ quan đăng kí doanh nghiệp và Tòa án, vẫn cho rằng người
đại diện theo pháp luật của công ty vẫn là những con người cụ thể. Cũng vì thế
mà việc HĐQT khi bãi miễn chức danh giám đốc của một người (khi giám đốc đồng
thời cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty) sẽ đứng trước nguy cơ bị
hủy bởi tòa án tại Việt Nam. Mặc dù cách hiểu này là không phù hợp với qui định
của tinh thần của LDN 2014, nhưng nó vẫn là một rủi ro mà doanh nghiệp phải đối
mặt. Đây cũng là một vấn đề mà doanh nghiệp nên cân nhắc trong quá trình quản
trị.
Cơ sở pháp lý cho tranh chấp
Điều
25, Điều 135, Điều 149, điều 161 LDN 2014
Tranh chấp được trích từ: TRANH CHẤP ĐIỂN HÌNH TRONG QUẢN
TRỊ DOANH NGHIỆP - PHẠM HOÀI HUẤN (CHỦ BIÊN)
– VỤ VIỆC CÔNG TY CỔ PHẦN MAY SÀI GÒN 3
Nhận xét
Đăng nhận xét