Chuyển đến nội dung chính

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Rõ ràng so sánh tiền đi học ở nước ngoài, ví dụ mức đại học, đâu đó dao động +/- 2 tỷ đồng. Về nước làm lương tầm 30 – 40 triệu/tháng. Làm một phép cộng đơn giản, đâu đó bạn mất tầm 3 năm để thu sổ hụi. Đó là chưa kể có thể có những bạn đi học từ thời phổ thông hoặc học hành đắt đỏ hơn. Các con số này là trung bình để bạn dễ hình dung, để bàn những chuyện tiếp theo nghen.

Câu hỏi “đinh” nhất để đánh giá chuyện LỜI hay LỖ khi du học đó là: Bạn Kì Vọng Sẽ Thu Hoạch Được Gì Khi Đi Du Học? Khi đi du học, tôi cho có 3 thứ sau đây mà bạn sẽ có cơ hội thu hoạch được. [Nói có cơ hội là vì nó phụ thuộc vào sự chăm chỉ, sự sáng dạ mà bạn sẽ mang về được nhiều hay ít. Kiểu như ăn khế trả vàng vậy, vàng có sẵn, mang theo túi 3 gang hay 18 gang là tuỳ khả năng của bạn].

 

HỌC CÁCH TƯ DUY

Đi du học là đi học cái văn minh của thiên hạ. Tôi không sính ngoại, nhưng rõ ràng ở các nước phát triển có quá nhiều thứ họ hơn ta. Tôi cho đây là thứ quan trọng nhất của việc được đi du học. Môi trường kinh viện, tiếp xúc với giới tinh hoa, chúng ta được học cách tư duy, phương pháp làm việc. Thậm chí sự va đụng giữa các quan niệm của Việt Nam và phương Tây, nó cho ta có cơ hội để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đó, món này chính là thứ lớn nhất, quan trọng nhất nên phải lấy được càng nhiều càng tốt. 

 

TRẢI NGHIỆM VĂN HOÁ VÀ LỐI SỐNG

Đây là yếu tố thứ hai mà du học sinh thu lượm được. Suy cho cùng giáo dục là gì nếu nó không nhằm giúp con người ta trở thành một người tử tế, biết yêu thương và bản lĩnh hơn. Có rất nhiều con đường để đạt đến điều ấy. Và những vùng đất mới, những quốc gia mới lạ biết đâu mang lại cho ta những cách tiếp cận khác. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Nhưng sẽ tuyệt hơn khi không chỉ được đi, mà ta còn được sống trong ấy, hít thở cùng một bầu không khí. Có một người bạn vong niên đã từng nói với tôi thế này: “Có 2 cách để đạt đến sự thông thái. Một là đi thật nhiều, hai là đọc thật nhiều”. Quả thật là một lời khuyên tuyệt diệu!

 

HỌC CHUYÊN MÔN

Đây là thứ đương nhiên. Đi du học mà không lấy được cái bằng, không có được chuyên môn thì còn gì để nói. Nhưng tôi cho thật ra chuyện đào tạo nước ngoài cũng không phải là cái quá Kinh Khủng Khiếp so với trong nước. Đặc biệt với sự trỗi dậy của các nên tảng như Coursera, kho học liệu mở và internet nó san phẳng những cách biệt về đào tạo. Lợi thế duy nhất về chuyên môn của Du học sinh đó chính là bạn được đào tạo tập trung, có người hướng dẫn bạn một cách bài bản và có hệ thống. Tất nhiên là bạn phải trả tiền cho việc hướng dẫn ấy.

 

Sau khi đã bàn những chuyện trên, thông điệp mà tôi muốn nói là gì?

Tôi cho được đi nước ngoài khi còn trẻ là một điều tuyệt vời. Và nếu bạn có điều kiện được đi du học, chúc mừng bạn, nên đi. Hãy cho trí óc mình được mở mang bằng những cách tư duy mới, cho trái tim mình ngập những điều mới lạ của cuộc sống và cho mình 1 cái bằng. 

Một khi bạn đã có tư duy tốt, tôi tin bạn sẽ không quan tâm chuyện lương tháng 40 triệu đâu, bạn sẽ kiếm được nhiều hơn rất nhiều. Đầu tư cho bản thân luôn là khoản đầu tư hời nhất mà nhân loại có thể biết đến.

Vui vẻ nhé. Chào thân ái và quyết thắng.

 


Nhận xét

  1. Bài viết của bạn rất sâu sắc và đầy tri thức. Việc so sánh chi phí và thu nhập sau khi du học là một cách tiếp cận rất hiệu quả để đánh giá liệu việc du học có mang lại lợi ích kinh tế như mong đợi hay không.

    Ba điều mà bạn đề cập là kiến thức chuyên môn, trải nghiệm văn hóa và lối sống, và cách tư duy là những mục tiêu quan trọng mà mỗi du học sinh nên hướng đến. Việc học tập không chỉ là việc lấy bằng cấp mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng sống và tư duy, mở rộng tầm nhìn về thế giới.

    Nhắc nhở các du học sinh rằng việc đầu tư vào bản thân luôn là một quyết định thông minh và có ý nghĩa lâu dài. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những suy nghĩ và lời khuyên hữu ích này!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.