Chuyển đến nội dung chính

Chuyện đập hoa vào chiều 30 Tết

Tết đến có tám vạn bốn trăm bảy mươi hai chuyện để nói. Như có một chuyện cứ xảy ra hoài nên chẳng đặng đành, phải nói. Số là tờ Tin Nhanh Việt Nam (VNExpress) chia sẻ hình ảnh các tiểu thương đập bỏ hoa Tết vào chiều 30 tháng chạp. Chuyện này xảy ra chắc cũng được vài năm rồi. Lý do đằng sau là người bán không muốn bán hoa cho những người mua đang ép giá họ với những mức giá rẻ mạt. 

Có nhiều lý giải, nhiều ý kiến, cả đồng ý lẫn phản đối. Đủ tất. Tuy vậy, tôi cho rằng hành động đập bỏ kia, nếu không có gì thay đổi, dự kiến năm sau cũng sẽ vậy. Có hai yếu tố cần cân nhắc trong tình huống này:

Một: hoa Tết là một loại hàng hoá mang đậm tính thời vụ. Qua ngày 30 tháng chạp, gần như không ai mua nữa. Do đó, thời điểm cuối cùng mà người bán phải bán đâu đó rơi vào khoảng 20h ngày 30.

Một điểm thú vị của việc kinh doanh hoa Tết nên nhìn từ khía cạnh chi phí sản xuất. Chi phí cố định chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động bán hoa Tết. Theo đó, dù bán được hay không thì người tiểu thương cũng [đã] phải chi trả việc mua hoa và thuê địa điểm bán hàng. Chi phí này không phụ thuộc vào việc bán được hàng hay không.

Hai: Thị trường bán hoa Tết là một thị trường mang tính phân mảnh và có sự xung đột lợi ích giữa cá nhân người tiểu thương bán hoa Tết và lợi ích của toàn thị trường.

Ai cũng biết là nếu toàn bộ tiểu thương cùng giữ một giá cố định từ đầu vụ hoa Tết cho đến ngày 30 Tết thì nó sẽ khiến cho người mua bớt kì vọng vào việc mua hoa giá rẻ vào ngày cuối năm. Điều đó là tốt cho thị trường. Nhưng vấn đề là nếu có một cá nhân nào đó, phá luật chơi [nếu có thể nói như thế], họ bán giá rẻ hơn so với thị trường, chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn một chút, họ sẽ bán được hết hàng sớm hơn, rủi ro hoa ế cũng thấp hơn. Điều này rất tốt cho cá nhân, mặc dù có thể nó sẽ bất lợi cho cả thị trường.

Nếu tôi là tiểu thương, phản ứng của tôi trong thị trường hoa Tết vào ngày cuối năm nên là gì? Tôi sẽ chấp nhận bán hoa giá rẻ. Giá bán thấp hơn giá vốn cũng không vấn đề gì. Bởi như trên đã đề cập, vì chi phí đã bỏ ra để mua hoa và trả mặt bằng rồi, việc tôi bán cho dù là bao nhiêu tiền, đều làm tăng doanh thu của đợt bán hoa, qua đó sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận hoặc chí ít là giảm thiểu thiệt hại [lỗ].

Việc đập bỏ hoa, ngoại trừ việc “đã cái nư” của người bán, nó loại bỏ đi khả năng gia tăng doanh thu và tạo ra một sự lãng phí không đáng. Chúng ta kì vọng là tiểu thương là những con người lý trí, nhưng phản ứng đập bỏ hoa, tôi cho nó chỉ nhằm thoả cái tôi mang tính cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Thật đáng tiếc.

Nhưng sau một mùa vụ như vậy, cái mà tiểu thương cần quan tâm là: năm sau thế nào? Với đặc trưng của thị trường như trên đã phân tích, tôi cho thị trường vẫn lặp lại như vậy. Nếu bạn muốn bán hoa Tết, bạn phải biết luật chơi. Luật chơi của thị trường, rất méo mó, là vậy đó. Chơi hoặc không, quyết định là của bạn.

Tiếp, nếu đã chọn là tiếp tục cuộc chơi. Có thể cân nhắc các yếu tố giảm thiểu rủi ro. Giả định kinh tế ổn, sức mua của người dân là không có gì thay đổi, có thể chia việc bán hoa Tết ra các giai đoạn:

Giai đoạn Giá cao: Những ngày đầu, giả sử 5 ngày chẳng hạn. Mức giá sẽ rất cao, tương ứng đó có thể là 50% lượng hoa mà bạn đang sở hữu. Loại hoa trong trường hợp này, phải là hoa rất tốt. Bởi có những đối tượng khách hàng, người ta có nhu cầu mua hoa sớm, mà không chờ đến cận Tết.

Giai đoạn Giá chuẩn: Kéo dài khoảng 3 ngày, mục tiêu là phải bán đâu đó 30% - 40% lường hàng với mức giá tốt, với biên lợi nhuận thấp hơn ở trên.

Giai đoạn Giảm giá: 2 ngày trước Tết, chấp nhận bán huề vốn hoặc bằng 80% - 90% giá vốn.

Giai đoạn

Thời điểm

Mức giá

Khách hàng

Premium

Đầu vụ hoa

Rất cao

Doanh nghiệp

Standard

5 ngày trước Tết

Có lời

Bình thường

Sales

2 ngày trước Tết

80% - huề vốn

Thu nhập thấp

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.