Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

 

Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng.

Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy.

QUYỀN CÙNG BÁN (TAG-ALONG RIGHT)

1.    Nội dung cơ bản

Giả định A và nhóm cổ đông sáng lập, mà B là đại diện, kí với nhau một hợp đồng mua bán cổ phần (lưu ý là chữ cổ phần bạn có thể mở rộng thành mua bán phần vốn góp nhé. Nhưng để đơn giản cho việc trình bày thì tôi cứ gọi chung là cổ phần vậy). Giả định rằng A mua đâu đó khoảng 20% cổ phần, B sở hữu 80% còn lại. Về lý thuyết, khả năng A bán cổ phần của mình cho một bên thứ ba là khá thấp. Bởi với việc 20% CP trong một công ty, tiếng nói không được nhiều. Ngược lại, khả năng B bán cổ phần của mình là cao hơn. Bởi bán 80% Cổ phần, thì người sở hữu gần như có tiếng nói tuyệt đối về quản trị.

Chính vì lẽ đó A mới thoả thuận với B thế này: “khi ông bán cổ phần của mình, tôi có quyền bán cùng”. Cho nên nguyên gốc, người ta dùng tag-along là như thế.

Diễn giải ra, bạn nên lưu ý là A có quyền bán cùng tỷ lệ, cùng điều kiện với B. Có nghĩa B bán hết, thì A sẽ bán hết cùng, B chỉ bán x% trong số cổ phần mà B đang sở hữu, A cũng sẽ có quyền bán cùng x% trong số 20% mà A đang sở hữu;

 

2.    Ý nghĩa của điều khoản này

Đây là một điều khoản mang tính “tiêu chuẩn” trong các Hợp đồng M&A. Cơ bản thì nó công bằng cho các bên. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi cho đây là điều khoản bảo vệ cho bên yếu thế hơn.

Nếu bạn đang ở phía của A, khả năng bạn bán cổ phần của mình cho một bên thứ ba để kiếm lời hoặc thu hồi khoản đầu tư là khá thấp. Bởi về mặt quản trị, hiếm ai lại chấp nhận mua chỉ 20% một công ty nào đó, trừ phi công ty đó là một công ty có qui mô rất lớn, sở hữu cổ đông đa dạng và không tập trung, hoặc đơn giản là công ty này có quá nhiều triển vọng. Khi bạn ở thế yếu, bạn tìm đối tác để mua cổ phần là cực khó. Trong bối cảnh như vậy chi bằng ta cứ “ăn theo” ông đang sở hữu đa số là xong.

Nhưng cũng đôi khi, điều khoản này lại có lợi cho các cổ đông sáng lập của công ty. Nếu trong trường hợp A là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ có trong tay một mạng lưới các quĩ hoặc nhà đầu tư cá nhân chẳng hạn. Có những người có công ty tốt mà không biết bán cho ai, nhưng có những người thì lại rất chuyên nghiệp trong việc mua bán ấy. Thì không gì hay bằng việc cứ cho họ kiếm người mua, ta cứ nằm nhà chờ bán cùng.

Chung quy lại, điều khoản Tag-Along Right chỉ nhằm mục mục đích là gia tăng khả năng thoái vốn của một bên nào đó. Việc bên nào “yếu” hay “mạnh” nó phải đặt trong bối cảnh cụ thể với các tính toán cụ thể. Bạn phải tỉnh táo để biết vai trò của các bên trong cuộc chơi, qua đó mình tính chuyện ghi nhận Quyền Bán Cùng vào hợp đồng hay không.


3.    Giá trị pháp lý trong bối cảnh của Việt nam

Nếu bạn hay đọc trên blog của tôi, chắc bạn cũng thấy tôi nhiều lần than phiền về hai hệ thống pháp luật Common law và Dân luật. Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của Pháp, nên nền pháp luật là pháp luật thành văn. Nhưng các hãng luật hay làm các giao dịch M&A, vì nhiều lý do khác nhau lại làm theo phong cách Anh-Mỹ. Có nhiều thoả thuận nó là tiêu chuẩn trong pháp luật Anh – Mỹ, chưa chắc đã có hiệu lực và/hoặc được thừa nhận tại Việt Nam. Bỏ thì thương, vương thì tội! Nghiệt ngã là ở chỗ đó.

Nhưng măy mắn là nó không rơi vào trường hợp này. Quyền bán cùng này, không được qui định trong luật của Việt Nam. Nhưng nó cũng không trái pháp luật, cũng chả vi phạm thuần phong mỹ tục hay xâm phạm đến quyền lợi của bên thứ ba nào. Nó là một thứ thoả thuận tự nguyện giữa các bên. Theo đúng nguyên tắc của Bộ luật dân sự, nó sẽ được tôn trọng và trở thành “luật” để điều chỉnh cuộc chơi giữa các bên.

Vấn đề là trong hơn một thập kỉ sưu tầm các bản án về quản trị để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và tư vấn, thú thật là tôi chưa thấy bản án nào xử về tranh chấp liên quan đến quyền này. Có thể là không có tranh chấp hoặc cũng không loại trừ khả năng là tôi bị sót.


4.    Tham khảo

Để thuận tiện cho bạn dễ hình dung, thì Quyền Bán Cùng sẽ được viết trong hợp đồng nôm ba thế này. Nếu thấy hay thì copy là lưu lại làm tư liệu cho mình nghen.

Nếu một Bên (“Bên Bán”) mong muốn chuyển nhượng hoặc định đoạt bất kỳ phần nào trong phần vốn góp của Bên đó trong Vốn Điều Lệ với một bên nhận chuyển nhượng thứ ba dự kiến, Bên Bán phải gửi thông báo bằng văn bản (“Thông Báo Về Quyền Cùng Bán”) đến Bên còn lại (“Bên Không Chuyển Nhượng”) nêu rõ giá trị phần vốn góp mà Bên Bán dự định chuyển nhượng (“Phần Vốn Chuyển Nhượng”), mức giá bán dự kiến đối với Phần Vốn Chuyển Nhượng (“Giá Cùng Bán”) và thông tin về bên nhận chuyển nhượng.

Bên Không Chuyển Nhượng có quyền (nhưng không phải nghĩa vụ) đề nghị được tham gia vào việc bán Phần Vốn Chuyển Nhượng bằng cách gửi thông báo cho Bên Bán (“Thông Báo Đồng Ý Cùng Bán”) trong vòng [*] Ngày Làm Việc kể từ ngày nhận được Thông Báo Về Quyền Cùng Bán.

Trong trường hợp Bên Không Chuyển Nhượng không thực hiện quyền bán phần vốn góp của mình theo điều này, Bên Bán có quyền chuyển nhượng toàn bộ Phần Vốn Chuyển Nhượng trong Công Ty cho bên mua được nêu tại Thông Báo Về Quyền Cùng Bán tại mức giá bán không thấp hơn mức Giá Cùng Bán và những điều khoản và điều kiện khác không kém thuận lợi hơn những điều khoản đã được nêu tại Thông Báo Về Quyền Cùng Bán.

Nhận xét

  1. Cảm ơn Thầy đã chia sẻ thông tin hữu ích này. Xin phép hỏi Thầy: Trong trường hợp Bên Không Chuyển Nhượng không thực hiện quyền bán phần vốn góp của mình theo điều này, Bên Bán chuyển nhượng toàn bộ Phần Vốn Chuyển Nhượng trong Công Ty cho bên mua được nêu tại Thông Báo Về Quyền Cùng Bán tại mức giá bán thấp hơn mức Giá Cùng Bán và những điều khoản và điều kiện khác kém thuận lợi hơn những điều khoản đã được nêu tại Thông Báo Về Quyền Cùng Bán, thì có vấn đề gì không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hành vi này có làm cho Bên Không Chuyển Nhượng thiệt hại không? Từ đó mình suy ra nhé.

      Xóa
  2. Cảm ơn thầy rất nhiều về những chia sẻ dễ hiểu và bổ ích!
    Kính chúc thầy sức khỏe và có nhiều chia sẻ thú vị hơn nữa!
    PS: Em đã mua 4 cuốn sách của thầy liên quan đến Luật Doanh nghiệp! :)

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét