Làm thế nào để có kinh nghiệm về Luật Công ty

Trong các buổi trao đổi chuyên môn trong khoá Coaching chuyên sâu về Luật Doanh nghiệp, chúng tôi đã sử dụng các case liên quan đến phát hành ESOP và hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của 2 công ty có vốn hoá rất lớn trên thị trường chứng khoán. Điều khiến tôi ngạc nhiên không ít đó là tại sao hoạt động quản trị công ty (corporate governance) tại các doanh nghiệp thuộc loại tầm cỡ như vậy mà vẫn có nhiều sai sót đáng tiếc đến như vậy.

Tôi đã dành thời gian tìm hiểu hòng lý giải xem chuyện gì đang xảy ra. Bơỉ trong khi có những sai sót về quản trị không gây ra hậu quả đáng kể thì cũng có những sai sót khiến cho công ty và/hoặc Hội đồng quản trị phải trả giá bằng các vụ kiện. Tôi cho có 2 điều sau đây là quan trọng:


1.    Các công ty, cho dù đại chúng hay chưa, về cơ bản thì nhận thức của người chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông chi phối về pháp lý là cực kì quan trọng. Trong khi có những công ty coi pháp lý là một lĩnh vực cần được chú trọng một cách nghiêm túc thì cũng có rất nhiều các trường hợp pháp lý là ưu tiên thứ ...11. Chính vì lẽ đó nguồn lực, bao gồm cả tài chính và con người, dành cho hoạt động này là rất hạn chế. Hệ quả là họ không thể tìm được nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhất cho hoạt động pháp lý và tuân thủ, trong đó đó có hoạt động tuân thủ về quản trị công ty.


2.    Các yêu cầu về quản trị công ty nhìn từ góc độ vận hành, về cơ bản khác rất nhiều so với hoạt động tư vấn của các luật sư thương mại. Theo đó, các luật sư in-house hoặc người phụ trách về Quản trị công ty phải giải quyết các bài toán về phân quyền tài chính, uỷ quyền pháp lý, ứng dụng nó vào các qui chế mua sắm, hoạt động huy động vốn, điều hành các cuộc họp. Mặc dù vẫn dựa trên nền tảng của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật chứng khoán, nhưng tính kỹ thuật (technical) đã chiếm một tỉ trọng khá lớn trong các hoạt động này. Nó đòi hỏi một sự đồng bộ, thống nhất và liên tục. Cho nên, ngay cả một luật sư thương mại nhiều kinh nghiệm, khi bước vào môi trường in-house họ phải cần có thời gian để làm quen. Còn nếu người được giao phụ trách hoạt động này mà là dân tay ngang hoặc sinh viên vừa tốt nghiệp thì sai sót gần như là chuyện...không thể tránh khỏi. Một cách thẳng thắn thì ở Việt Nam, có chương trình đào tạo luật nào tự hào dạy những món này? Các chương trình dạy môn Luật Kinh tế hoặc các tên gọi khác như Chủ Thể Kinh Doanh, Luật Công ty...về cơ bản chỉ dừng lại ở mức độ rất khiêm tốn cách hiểu các qui định mang tính bề mặt về quản trị, các hoạt động mang tính thủ tục thì gần như là...vắng bóng. Bên cạnh yếu tố bị khống chế về mặt thời lượng, lý do quan trọng nhất khiến cho yếu tố thực tiễn vắng bóng trong Bài giảng môn Luật Công ty chính là việc các Giảng viên không được hành nghề luật sư. Tôi không là nhà quản lý giáo dục nên tôi không đánh giá việc cấm đó là đúng hay sai. Nhưng nhìn từ góc độ của doanh nghiệp thì việc sinh viên được đào tạo ra nhưng lại gần như không tổ chức được các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, các thủ tục công bố thông tin...là một thiếu sót mà doanh nghiệp bắt buộc phải tốn chi phí để khắc phục.


Khuynh hướng chung là hoạt động quản trị công ty sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thời gian tới. Khi mà thị trường chứng khoán càng phát triển thì cơ hội nghề nghiệp cho những bạn trẻ muốn theo đuổi nghề Thư Ký Công Ty là càng nhiều. Để tránh nhầm lẫn, bạn đứng đánh đồng chữ Thư Kí Công Ty với chữ thư kí mà ở Việt Nam người ta vẫn hay dùng với tư cách là một người phụ tá, giúp việc cho một lãnh đạo nào đó nhé. Thư Kí Công Ty là một chức danh quản trị được ghi nhận chính thức trong Luật Doanh nghiệp 2020, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị của Công ty. Chi tiết bạn xem thêm trong LDN. 


Có vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ nếu bạn có hứng thú với nghề này:


Thứ nhất: Truy cập trang web của những công ty vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán, nên chọn nhiều công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ thấy mục Quan Hệ Cổ Đông. Các tài liệu liên quan đến quản trị sẽ được công bố ở đấy. Bạn sẽ nắm được để tiến hành một cuộc ĐHĐCĐ chẳng hạn, thì hồ sơ sẽ gồm những loại gì. Tất nhiên, không chắc là 100% công ty làm đúng, nhưng ít ra nó giúp bạn hình dung được bước đầu. Sau đó, hãy đối chiếu với các qui định trong Luật Doanh nghiệp và Luật chứng khoán, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về qui định của luật. Ví dụ nhé, theo qui định tại Điều 141.1 qui định: “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông”. Vấn đề là chốt danh sách ấy như thế nào? Ai là người chốt, thủ tục ra làm sao...


Thứ hai: Hãy cố gắng tự trang bị cho mình một hệ thống kiến thức vững chắc về quản trị công ty. Để từ đó xây dựng được các giải pháp cho các yêu cầu về quản trị. Đó là một việc khó và cần phải có thời gian. Tuy vậy, chỉ riêng việc bạn thực hiện lời khuyên thứ nhất, cũng đã tạo ưu thế cho bạn rất nhiều so với những người khác rồi.

Chúc bạn vui với quản trị. 

 

 

Nhận xét

Đăng nhận xét