Để trở thành luật sư giỏi

 


Trước khi bàn kĩ hơn, có vài điều cần minh định để tránh gây nhầm lẫn:

Một: Luật sư giỏi và luật sư thành công là hai khái niệm không nhất thiết trùng nhau. Có những người rất giỏi chuyên môn nhưng không đạt được thành tựu lớn về nghề nghiệp và ngược lại.

Hai: Tôi không lấy tiền làm thước đo cho sự thành công. Mặc dù không thể phủ nhận là những luật sư thành công là những luật sư có nhiều tiền.

Tóm lại, chữ “giỏi” được sử dụng trong bài này được hiểu là sự thuần thục về mặt chuyên môn & kỹ năng của người luật sư trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà không bao hàm các kỹ năng phát triển kinh doanh, kỹ năng quản trị và các kỹ năng tương tự.


BA KỸ NĂNG QUAN TRỌNG

Như có lần đã trình bày, có ba (03) kỹ năng mà tôi nhận thấy các luật sư giỏi nhất trên thị trường hiện nay đều có: (i) Xác định vấn đề pháp lý, (ii) Kỹ năng phân tích pháp lý, (iii) Kỹ năng viết. Suy cho cùng, nghề luật sư cho dù là tư vấn hay tranh tụng đều phải xác định những vấn đề mà khách hàng đang quan tâm, áp dụng qui định của pháp luật để phân tích vấn đề ấy, tìm ra giải pháp pháp lý, viết các phân tích ấy ra thành văn bản. Sau đó, luật sư sẽ phát hành dưới dạng tư vấn pháp lý hoặc dùng nó để nộp cho Toà án/Trọng tài hoặc trình bày trong phiên toà.


Ba kỹ năng trên về cơ bản là có mối liên hệ mật thiết với nhau. Một người luật sư viết tốt, về mặt logic, họ phải là người phân tích tốt. Tại sao có thể khẳng định như thế? Bởi người ấy sẽ viết gì, nếu không phải là xác định vấn đề pháp lý và các phân tích của họ? Tương tự, xác định vấn đề pháp lý ở mức đủ tốt đòi hỏi kỹ năng phân tích pháp lý phải tốt. Bởi nhìn vào một vụ việc, một bản án hoặc luận cứ, để xác định đâu là vấn đề pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong vụ tư vấn hoặc vụ án, người luật sư phải đánh giá các phân tích của toà, của luật sư đối phương hoặc đã có các nhìn nhận về mối liên kết giữa các sự kiện và qui định pháp luật. Hoá ra, những điều này chính là các hoạt động phân tích pháp lý.


Nói như vậy để thấy, bạn muốn thành thục các kỹ năng này, bạn có thể bắt đầu từ kỹ năng nào cũng được. Cá nhân tôi, vì đặc thù cá nhân và sở thích, tôi bắt đầu bằng kỹ năng viết. Tôi đã có hơn 10 năm để viết cho Vietnamnet, Saigon Times, Diễn đàn doanh nghiệp, viết sách, viết tạp chí…Một thập kỷ viết miệt mài đó đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi hành nghề với tư cách của practitioner.


SỰ TRÌ HOÃN

Nguyên lý Pareto thật vô tình. Theo đó khoảng 20% luật sư giành hết 80% thu nhập của thị trường và 80% luật sư chia nhau 20% còn lại. Tuy vậy, cá nhân tôi cho đó là công bằng. Thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam đang thay đổi ghê gớm. Tôi nhớ hoài 10 năm trước một luật sư đã từng tuyên bố “anh tranh tụng nhưng không cần đọc Luật Doanh nghiệp”. 10 năm qua thị trường đã có những bước dài theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp. Trong ngắn hạn, một số ít luật sư có thể kiếm được tiền bằng nhiều kỹ xảo và quan hệ thân hữu, nhưng trong dài hạn, những luật sư kiểu này sẽ không còn nhiều.


Vấn đề là gần như ai cũng muốn nằm trong nhóm 20%, nhưng ngoài việc muốn ra thì lại…không làm gì. Con đường trở thành một sinh viên giỏi (khi còn học Luật) hoặc luật sư giỏi (khi đã tốt nghiệp) thật ra có gì cao siêu đâu. Đọc thật nhiều vào, viết thật nhiều vào, phân tích thật nhiều…

Để tôi kể cho các bạn trẻ nghe một bí mật. Bạn có biết là vẫn có không ít luật sư hành nghề lâu năm nhưng tư duy pháp lý lại vẫn rất tệ. Có gì mâu thuẫn với qui tắc rèn luyện mà tôi đề cập ở trên không? Xin thưa KHÔNG. Kỹ năng của một người không đếm bằng số năm học sống bằng nghề đó mà nó đếm bằng số giờ mà người luật sư hành nghề. Họ đã viết bao nhiêu thư tư vấn, đã nhức đầu cho bao nhiêu vụ án, đã viết bao nhiều bài tranh luận, bao nhiêu cuốn sách?


Thứ tệ hại nhất với tư duy chính là THÓI QUEN. Theo đó, người ta làm những việc quen thuộc, lặp đi lặp lại. Chính điều đó làm cho tư duy của ta trở nên thui chột và kém nhạy bén. Một người giảng viên sử dụng một bài giảng trong 10 năm, một luật sư làm một loại việc làng nhàng và quen thuộc trong 10 năm, thì số năm ấy nào có ý nghĩa gì, ngoài sự lặp đi lặp lại hầu như vô thức và nhàm chán. Văn ôn, võ luyện mà.


Kết lại, bạn có hai lựa chọn cho mình:

Một: hãy sống cuộc đời thật vui vẻ, nhẹ nhàng và thôi than thở tại sao thu nhập của tôi không tốt, tại sao công việc của tôi lận đận.

Hai: quyết tâm cao độ gia nhập nhóm 20% tinh hoa, dành ra một cái giá phải trả và lao động miệt mài, đầy kỉ luật trong 10 năm.

Có một điều thú vị về cái giá của thành công: Bạn luôn phải trả giá một cách đầy đủ trước khi chạm tay đến. Thành công nó không như nhà hàng, nơi mà bạn trả sau khi tận hưởng bữa ăn. Mà thật ra nó giống như quán café, nơi bạn chọn bất kì thứ gì bạn muốn, nhưng phải trả tiền trước khi bạn ăn – Brian Tracy.

Nhận xét

  1. Em xin trân thành cảm ơn thầy vì đã xây dựng nên một không gian bổ ích như vậy, ngắn gọn, xúc tích và... rất đời thầy ạ !

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét