Đại hội đồng cổ đông thường niên của một ngân hàng có một qui định
rất đáng lưu tâm. Theo đó ĐHĐCĐ của công ty đã uỷ quyền cho HĐQT hai quyền rất
quan trọng: (i) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; và (ii) Phê duyệt các giao dịch
với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ.
Vấn đề pháp lý cần lưu tâm trong trường hợp này là Nghị quyết kia
có giá trị pháp lý hay không?
Vài năm trở lại đây, khi tư vấn về quản trị, tôi bắt gặp khá nhiều
những nghị quyết uỷ quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT như thế này. Vấn đề pháp lý đặt ra
là hành vi trao quyền này của ĐHĐCĐ cho HĐQT có giá trị pháp lý hay không?
Trước hết cần phải thấy rằng, hai vấn đề được uỷ quyền là (i) Sửa đổi điều lệ và (ii) Phê duyệt các giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ đều là những quyền quan trọng của ĐHĐCĐ. Xét về mặt lý thuyết, Luật Doanh nghiệp không có qui định nào cấm ĐHĐCĐ trao quyền của mình cho các cơ quan khác trong Công ty. Và, nếu nhìn từ góc độ đó, thì có cơ sở để cho rằng việc uỷ quyền đang được đề cập trong tình huống này là không vi phạm pháp luật và có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, việc uỷ quyền này nó tạo ra những hệ luỵ đáng quan tâm hơn rất nhiều so với việc chỉ xem xét một cách hời hợt là luật có cấm hay không.
Lấy việc sửa đổi điều lệ công ty làm ví dụ. Trong tình huống này,
HĐQT có quyền sửa đổi điều lệ của công ty. Xét về mặt lý thuyết, HĐQT có quyền
sửa, bổ sung bất cứ nội dung nào. Cần lưu ý thêm, trong công ty, có thể có nhiều
nhóm cổ đông. Và việc sửa đổi điều lệ, có thể dẫn đến:
- làm thay đổi quyền lợi của một nhóm cổ đông;
- làm thay đổi quyền của cổ đông ưu đãi; hoặc
- những thay đổi có ảnh hưởng đáng kể khác.
Về mặt thủ tục, Điều lệ này sẽ được thông qua nếu được đa số thành
viên HĐQT dự họp tán thành (Điều 157.12). Rắc rối cũng từ đây mà ra:
Theo qui định tại Điều 132.1 thì “cổ đông đã biểu quyết không
thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ
của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần
của mình”.
Và theo qui định tại Điều 148.6 thì “Nghị quyết Đại hội đồng cổ
đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ
phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu
từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông
ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành
trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”.
Hệ quả của việc uỷ quyền đó là nó đã tước đi cơ hội của cổ đông
trong việc thực hiện các quyền của mình tại ĐHĐCĐ và đồng thời qua đó vô hiệu
hoá hai quyền quan trọng của cổ đông [phổ thông] và cổ đông ưu đãi lần lượt được
qui định tại Điều 132.1 và Điều 148.6. Nếu nghị quyết ghi nhận việc uỷ quyền của
ĐHĐCĐ cho HĐQT được thông qua với tỷ lệ tán thành là 100% thì việc bào chữa rằng
quyền lợi của đông không bị xâm phạm (vì họ đã đồng ý thông qua nghị quyết), nhưng:
- nếu tỷ lệ không đạt 100% thì sẽ rất khó để lý giải cho vấn đề này.
- đồng thời, cũng lưu ý thêm rằng, một cách phổ biến, các cổ đông ưu
đãi như ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại…là không được tham dự và biểu quyết
trong ĐHĐCĐ, nên hầu như không thể có chuyện họ đã tán thành với nghị quyết được.
Tình trạng uỷ quyền này thường sẽ xảy ra ở những công ty bị chi phối bởi một hoặc một số cổ đông lớn. Khi mà sức ảnh hưởng của các cổ đông này càng cao, thì vai trò của ĐHĐCĐ càng mang tính hình thức. Ý nghĩa thực sự của uỷ quyền này chính là hợp thức hoá vai trò quản trị của cổ đông lớn (bởi suy cho cùng thì với nền dân chủ cổ phiếu đang diễn ra ở Việt Nam, thì HĐQT đa phần là hội đồng của những người thừa hành và vì lợi ích của cổ đông lớn). Về mặt thực tiễn xét xử, Toà án chưa xử lý tranh chấp loại này. Nên về mặt giải quyết tranh chấp là chưa thể xác định giá trị pháp lý của việc uỷ quyền. Với một thái độ dè dặt, tôi cho rằng Uỷ quyền đang được đề cập này không có giá trị pháp lý. Bởi mục đích và nội dung của Uỷ quyền này nó đã nhằm và/hoặc tạo ra hệ quả là tướt đoạt các quyền của cổ đông khác như đã phân tích ở trên.
Nhìn từ khía cạnh tư vấn, có hai điều có thể rút ra từ Nghị quyết
của ĐHĐCĐ là:
1. Đây là một nghị quyết của một ngân hàng thuộc hàng top của Việt
Nam. Vấn đề là tại sao đội pháp lý và tư vấn lại có thể có một lựa chọn đầy rủi
ro như vậy. Quan điểm của Toà án và/hoặc Trọng tài cho dù là theo hướng thừa nhận
giá trị của Uỷ quyền hay không, thì nó đều là những lựa chọn khó khăn xuất phát
từ qui định chưa rõ ràng của Luật Doanh nghiệp & Bộ luật Dân sự. Điều đó có
thể làm cho doanh nghiệp này đối diện với rủi ro về mặt pháp lý và quản trị.
2. Nhìn từ khía cạnh hiệu quả quản trị, tôi không đánh giá cao sự
minh bạch và hiệu quả quản trị của doanh nghiệp này. Bởi, một doanh nghiệp mà
vai trò của cổ đông lớn là quá cao dẫn đến việc tướt bỏ các quyền của cổ đông
khác, tạo ra nguy cơ kém minh bạch trong các giao dịch liên kết với các bên có
liên quan mà cổ đông khác (đồng chủ sở hữu của công ty) mà cổ đông không có quyền
được quyết định, cho dù là đặt dưới bất kì chuẩn mực về quản trị nào, đều không
đáng để tôn vinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét