Chuyển đến nội dung chính

Tiêu chuẩn Anh Mỹ trong các Hợp đồng tại Việt Nam

Hôm qua tôi tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Luật sư Trương Nhật Quang giảng dạy. Một buổi nói chuyện với rất nhiều thông tin từ anh Quang. Các bạn có thể truy cập page Sách Pháp Lý Của Luật Sư Trương Nhật Quang để lấy slides notes. Điểm hữu ích của notes là bạn có thể cập nhật những Án lệ có liên quan đến các điểm pháp lý mà tôi cho là anh Quang đã mất nhiều công sức để đọc và gạn lọc ra. Việc còn lại là bạn chỉ việc đứng trên vai luật sư khổng lồ và cập nhật cho mình thôi.

Ngoài ra, có một thông tin mà tôi cho là thú vị, ít nhất là với góc nhìn của tôi, nhưng chỉ được anh Quang giải thích bằng lời. Tôi tóm lược và có thêm một vài bổ sung dành cho các bạn không có cơ hội tham gia.

Thứ nhất: Việt Nam là một quốc gia theo truyền thống pháp luật thành văn. Bóng dáng của dân luật Pháp càng rõ nét khi Ban soạn thảo Bộ luật dân sự 2015 vừa qua lại có rất nhiều giáo sư luật của Việt Nam từng là du học sinh Pháp.


Thứ hai: Londdon và Newyork là hai trung tâm tài chính lớn nhất của thế giới. Thế nên mặc dù hệ thống Châu Âu lục địa và Common law đều có những ưu điểm của mình, nhưng vì phục vụ cho hai thị trường tài chính này đã biến các công ty luật Anh Mỹ thành những công ty hàng đầu thế giới. Đặt trong bối cảnh của Việt Nam, sau đổi mới, theo một cách nào đó, những công ty luật nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam cũng là những công ty của Mỹ. Theo dòng thay đổi, những luật sư trẻ tiên phong của ngày ấy, mà luật sư Trương Nhật Quang là một ví dụ, đã ra riêng để hình thành nên hãng luật lừng danh là YKVN. Chính bối cảnh ấy, cộng với giao dịch xuyên biên giới đã mang những chuẩn mực Anh Mỹ vào trong hợp đồng của Việt Nam, do các hãng luật Việt Nam soạn.

Hợp đồng được định nghĩa là “thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ”. Nói cách khác, khi soạn Hợp đồng các bên đang “nghĩa vụ hoá” mối quan hệ. Thế nhưng cách tiếp cận của Hợp đồng Anh Mỹ lại thiên về việc phân bổ rủi ro. Trên thực tế, đôi khi một bên không vi phạm nghĩa vụ gì, vẫn có thể cấu thành nên sự kiện vi phạm và kích hoạt các biện pháp khắc phục. Ví dụ, các bên có thể thoả thuận việc hoạt động kinh doanh bị trở ngại một cách đáng kể, một bên bị phá sản....


Thứ ba: [Đây là ý tôi bổ sung, nhìn từ góc độ cá nhân] Các Hợp đồng được các hãng luật soạn sẽ được thẩm định tại Toà án và/hoặc trọng tài. Theo thống kê gần đây, năm 2019 VIAC, trung tâm trọng tài số 1 của Việt Nam, xử đâu đó chưa đến 200 vụ, có nghĩa bằng số án trung bình mà một thẩm phán của TP.HCM xử trong năm. Nói như thế để thấy, đa phần các tranh chấp sẽ được giải quyết tại toà án. 

Đâu đó vẫn có ý kiến khá nặng lời khi cho rằng nhân lực ngành luật sư đang phát triển quá nhanh so với toà án. Tôi chưa đủ số liệu để bình luận ý này. Nhưng có một điều tôi có thể xác nhận: trong khoảng 10 năm trở lại đây, đâu đó khoảng 80 – 90% những sinh viên ưu tú nhất của trường Luật đều đầu quân cho các hãng luật lớn khi tốt nghiệp. Nhưng điều quan trọng là một bản án nó là Nhân Danh Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nó mang trong mình tính biểu tượng. Việt Nam đã lựa chọn cho mình khuynh hướng là truyền thống dân luật. Cộng với những ràng buộc mang tính hệ thống từ Toà tối cao và vấn đề thi đua của cá nhân thẩm phán, đã buộc họ không thể xét xử theo khuynh hướng cởi mở. Trọng tài viên có thể chỉ là một title và một việc làm mang tính cống hiến và/hoặc nhằm đáp ứng cho một nhu cầu nào đó, nhưng thẩm phán là một sự nghiệp. Tất cả những điều này làm cho các Hợp đồng theo chuẩn Anh Mỹ kia đối diện với rất nhiều rủi ro. Cho nên, sẽ không lạ khi đa phần các Hợp đồng mang tính “Anh Mỹ nhất” sẽ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.


MỘT VÀI KẾT LUẬN

Tôi may mắn khi được sắm nhiều vai trong lĩnh vực tư pháp: thầy giáo dạy luật, tư vấn quản trị tại law firm, in-house tại doanh nghiệp và trọng tài viên. Chả có cái nào ra hồn, nhưng đổi lại tôi có trải nghiệm của người trong cuộc. Tôi nhận ra theo một cách nào đó, các tiêu chuẩn Hợp đồng Anh Mỹ đang là khuynh hướng. Xét đến tận cùng, lý giải cho hiện tượng này chắc cũng không lạ khi những con người tài năng nhất của làng luật Việt Nam như luật sư Trương Nhật Quang đang theo đuổi các giá trị của hệ thống này. Tuy vậy, có vài vấn đề mà bạn nên cân nhắc:

Các giao dịch mà Luật sư Quang và YKVN thực hiện đa phần là mang tính đa quốc gia và giá trị giao dịch là quá lớn. Họ [YKVN] phải đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, bảo đảm rủi ro và sự nhất quán trong cấu trúc giao dịch. Qaun trọng là các giao dịch này không chỉ áp dụng luật Việt Nam và cơ quan tài phán đôi khi không ở Việt Nam. Thế nên, các giới hạn mà tôi trình bày ở trên [nếu có] chưa chắc đã với tới các giao dịch này. Nói cách khác, YKVN khác rất xa với phần còn lại của thị trường.

Tại sao về mặt chính thống, Việt Nam [có lẽ] đang theo đuổi truyền thống Luật thành văn, chúng ta lại chọn chuẩn Anh Mỹ và đưa giao dịch vào tình trạng [đôi khi] khi không dám khẳng định các thoả thuận có giá trị pháp lý hay không thay vì tìm kiếm những chuẩn khác phù hợp với truyền thống dân luật?

Một vài bạn, theo một cách nào đó, khi học về Hợp đông Anh Mỹ, chỉ học được cái bóng dáng mà không thấm được cái bản chất của nó. Đôi khi, các bạn không biết cách nghĩa vụ hoá representations and warranties, nên mặc dù cùng làm bảo đảm nhưng có những hợp đồng, với sự khéo léo tuyệt vời, các luật sư giỏi đã biến nó thành nghĩa vụ, thì cũng có những bạn lại biến các bản đảm bởi các bên trở thành những câu tuyên ngôn tốn giấy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.