Luật pháp thường được cho là tĩnh, vô hồn và khô khan. Nếu chỉ đọc quy định pháp luật trong môi trường “chân không”, người đọc thường cảm thấy không thú vị. Quy định pháp luật không chuyển tải tình cảm, chỉ ngắn gọn và tập trung vào việc nêu quyền và nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ cụ thể và hậu quả pháp lý áp dụng khi có vi phạm.
Quy định pháp luật chỉ
bắt đầu thú vị khi được áp dụng trên thực tế, đối với các chủ thể cụ thể trong
các hoàn cảnh cụ thể. Khi đó, quy định pháp luật động, thú vị và ẩn
chứa đằng sau là các học thuyết liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội và tự
nhiên. Đặc biệt khi các bên có tranh chấp được giải quyết tại tòa
án, bản án thể hiện quan điểm của cơ quan xét xử đối với cách áp dụng pháp luật
trên thực tế đối với vấn đề pháp lý cụ thể trong hoàn cảnh cụ
thể. Mặc dù quan điểm của tòa án không phải bao giờ cũng đúng hoặc
thuyết phục, bản án thể hiện một cách hiểu (mà thông thường là quan trọng nhất
khi phát sinh tranh chấp) trong việc áp dụng pháp luật. Chính vì
vậy, bản án (bao gồm án lệ và bản án không phải là án lệ) ngày càng có vai trò
quan trọng trong quá trình làm việc của luật sư, người hành nghề luật, giảng
viên và sinh viên luật.
Nhìn từ góc độ đạo đức
nghề nghiệp, luật sư cần có “kiến thức chuyên môn” để bảo vệ tốt nhất lợi ích
hợp pháp của khách hàng. Đối với án lệ, do được công bố công khai và
có giá trị ràng buộc trong thực tiễn xét xử, nên án lệ có thể được hiểu là nằm
trong kiến thức chuyên môn của luật sư và luật sư phải biết để tư vấn cho khách
hàng. Bản án không phải là án lệ không được công bố công khai và
không có giá trị ràng buộc như án lệ. Khi đưa ra ý kiến pháp
lý hoặc ý kiến tư vấn, luật sư không có nghĩa vụ phải có hiểu biết về bản án và
bản án không thuộc kiến thức chuyên môn. Mặc dù vậy, bản án
không phải là án lệ lại là một nguồn tham khảo rất tốt để luật sư nghiên cứu và
tìm hiểu quan điểm của tòa án khi áp dụng pháp luật và xử lý một vấn đề pháp lý
tương tự phát sinh trên thực tế. Cũng tương tự như vậy, người
hành nghề luật, giảng viên và sinh viên luật cũng cần nghiên cứu án lệ và
bản án không phải là án lệ để tìm hiểu quan điểm của tòa án khi áp dụng, giảng
dạy và nghiên cứu pháp luật.
Việc tìm đọc và tổng hợp
các bản án có liên quan đến một vấn đề pháp lý cụ thể tại Việt Nam hiện nay,
đặc biệt là liên quan đến pháp luật về doanh nghiệp, không phải là điều dễ
dàng. Thị trường hiện nay không có nhiều cuốn sách tiếp cận pháp
luật về doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực nhất định của pháp luật về doanh nghiệp
dưới góc độ phân tích và bình luận những tranh chấp thực tiễn được giải quyết
tại tòa án. Trong phần lớn trường hợp, luật sư, người hành nghề
luật, giảng viên và sinh viên luật thường đưa ra quan điểm và lập luận mà
họ cho là hợp lý nhất liên quan đến quy định của pháp luật mà không có bất kỳ
hệ quy chiếu nào để biết liệu quan điểm và lập luận như vậy có được tòa án công
nhận khi phát sinh tranh chấp hay không.
Trong bối cảnh như vậy,
bất kỳ cuốn sách nào tổng hợp và phân tích bản án đều rất đáng quý và đáng trân
trọng. Khi được tiếp cận cuốn sách “Bình luận án các tranh chấp điển
hình trong quản trị công ty” của nhóm tác giả do thầy giáo Phạm Hoài Huấn
(giảng viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ biên, tôi
cảm thấy đây là một cuốn sách có giá trị tri thức lớn, giúp tôi có thêm những
thông tin hữu ích và cách nhìn nhận đa chiều hơn về một số vấn đề pháp lý phát
sinh trong thực tiễn xét xử tranh chấp trong lĩnh vực pháp luật về doanh
nghiệp, mà cụ thể là pháp luật về quản trị doanh nghiệp.
Các tác giả đã sưu
tầm công phu các tranh chấp về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam từ giai
đoạn 2006 – 2019 được xử lý tại toà án các cấp của Việt Nam và chắt lọc một số
bản án tập trung vào chuyển nhượng vốn, thành lập công ty và quản trị nội
bộ. Các bản án có giá trị điển hình cao và tập trung vào các vấn đề
pháp lý cơ bản liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Không chỉ dừng
lại ở việc tóm tắt các tình tiết có liên quan của bản án, nhóm tác giả đã xác
định các vấn đề pháp lý chủ yếu đồng thời phân tích và bình luận các vấn đề
pháp lý đó trên cơ sở quy định pháp luật có liên quan và cơ
sở lý luận để lý giải cách tiếp cận của toà án. Điều này đặc biệt hữu ích cho luật sư, người hành nghề luật,
giảng viên và sinh viên luật có cái nhìn tổng quan về cách mà Luật
Doanh nghiệp đang được vận hành trong thực tiễn. Nội dung cuốn sách đầy đủ để truyền
tải những thông tin cơ bản và hữu ích về những tranh chấp điển hình thường bắt
gặp trong thực tiễn áp dụng pháp luật về doanh nghiệp về chuyển nhượng vốn,
thành lập công ty và quản trị nội bộ.
Tôi rất trân trọng những đóng góp tri thức về lý luận và thực tiễn
của nhóm tác giả trong cuốn sách này và tin tưởng rằng cuốn sách này sẽ là một
nguồn tham khảo hữu ích và có giá trị cho luật sư, người hành nghề luật, giảng
viên và sinh viên luật cũng như bất kỳ ai quan tâm và mong muốn tìm hiểu pháp
luật doanh nghiệp từ góc nhìn của thực tiễn xét xử các tranh chấp và bản án có
liên quan. Hy vọng là cũng giống như tôi, độc giả sẽ cảm nhận được pháp
luật về doanh nghiệp động, thú vị và ẩn chứa các học thuyết pháp lý đằng sau
các quy định tưởng như tĩnh, vô hồn và khô khan.
Thành phố Hồ Chí Minh,
tháng 1 năm 2021
Trương Nhật Quang
Luật sư Điều hành Công ty Luật YKVN
cho em được mua sách của Thầy với ạ, quyển này rất hay và có ý nghĩa đối với em ạ, em cảm ơn thầy nhiều
Trả lờiXóaEm có thể đến 72 Trần Quốc Thảo, quận 3 hoặc vài hôm nữa sẽ có trên hệ thống của Fahasa nhé. Cám ơn em.
Trả lờiXóaThưa Thầy, cuốn này có phải là bản cập nhật cho cuốn Tranh Chấp Điển Hình Trong Quản Trị Doanh Nghiệp đã ngừng phát hành ko ạ Thầy? Em cảm ơn Thầy nhiều.
Trả lờiXóaCuốn này là một cuốn mới hoàn toàn Minh nhé. Minh có thể qua chi nhánh NXB ở 72 Trần Quốc Thảo có bán đó em.
XóaDạ, em cảm ơn Thầy.
Xóa