Chuyển đến nội dung chính

Mái nhà lợp kẽm ở Paris

Năm ấy, sau khi hoàn thành Luận án tiến sĩ, tôi đã tự thưởng cho mình một chuyến du lịch bỏ túi sang Paris. Đến bây giờ tôi vẫn cứ nhớ hoài những toà nhà cao bốn, năm tầng với mái kẽm màu xanh xám phổ biến ở Paris. Tôi đã lấy làm ngạc nhiên không ít. Bài viết sau đây của RFI đã trình bày thật hay về những mái nhà lợp kẽm này của Paris. 

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu

Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù

Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc

Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa 

[Paris – Nguyên Sa]

 

Ngày 16/02/2021, bộ Văn Hóa Pháp thông báo nghề lợp mái kẽm các ngôi nhà ở Paris, cùng với nghề làm bánh mì baguette truyền thống, lễ hội nấu rượu vang vùng Arbois ở miền đông nước Pháp, sẽ được bộ trưởng Văn Hoá Roselyne Bachelot cân nhắc chọn lựa để đến năm 2022 đệ trình lên UNESCO hồ sơ đề cử di sản văn hoá phi vật thể thế giới.

Mái nhà: « Tấm danh thiếp » bản sắc địa phương

 

Những mái nhà bằng kẽm màu xam xám có gì đặc biệt mà nước Pháp, một quốc gia nổi tiếng có nhiều di sản văn hoá phi vật thể thế giới, lại hy vọng được UNESCO công nhận là di sản ? Nhiều người có lẽ không biết « mái » là một thành phần quan trọng, nếu không muốn nói là đặc điểm nhận diện của hình thái kiến trúc. Trả lời phỏng vấn của đài RFI Việt ngữ ngày 23/02/2021, tiến sĩ về quy hoạch đô thị, kiến trúc sư Bùi Uyên, Paris, giải thích :

 

« Khi mới đến thăm một khu làng, một thành quách, ngay từ xa, điều chúng ta quan sát dễ nhất chính là những đỉnh mái của nhà thờ, cung điện. Ngay trong kiến trúc Á Đông, những mái chóp hay diềm mái vuốt cong của đình chùa, cổng làng ... cũng là những đường nét ấn tượng nhất. Vì thế, với các công trình tôn giáo, lăng tẩm, cung điện, thành quách, mái là yếu tố biểu trưng, thể hiện quyền lực và sự thịnh vượng, sử dụng vật liệu quý hiếm như mạ vàng hay đồng. Kết cấu mái luôn là động lực để những người xây dựng cải tiến nhằm chinh phục những tầm cao mới, những khẩu độ vòm vươn xa hơn, dần định hình những phong cách kiến trúc mới.

 

Còn với các căn nhà ở hay công trình dân dụng khác, mái là bộ phận quan trọng, phản ánh rõ nhất sự khác biệt khí hậu, vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng đương thời. Đến các vùng xứ lạnh, tuyết rơi nhiều, sẽ thấy ngay những mái dốc lớn, dày, kết cấu gỗ đồ sộ, ốp vật liệu đá kiên cố, và vì thế chiếm tỉ lệ lớn trong khối tích công trình. Ngược lại, ở khu vực nắng ấm, độ dốc mái lại thấp hơn hẳn, vật liệu, kết cấu cũng thoáng nhẹ hơn, để đảm bảo thông thoáng, thoát nhiệt là chủ yếu. Vì thế, yếu tố mái, từ vật liệu, tỉ lệ đến đường nét, là « tấm danh thiếp » cô đọng bản sắc và lịch sử địa phương.

 

Cũng nằm trong quy luật đó, những mái nhà lợp kẽm (zinc), hiện che phủ phần lớn các toà nhà Paris, giữ trong nó dấu ấn của thời kỳ bước ngoặt của quy hoạch và kiến trúc thủ đô Pháp, và trở thành đặc trưng cảnh quan đô thị đến tận ngày nay ».

Mái nhà lợp kẽm: « Mặt đứng thứ 5 » của kiến trúc Haussmann

 

Mái kẽm màu xanh xám, vốn che phủ khoảng 80% các tòa nhà ở Paris, một trong những đặc trưng kiến trúc của kinh đô ánh sáng Paris, có nguồn gốc thế nào, trong khi ở nhiều vùng miền khác tại Pháp, mái nhà chủ yếu là ngói đất nung màu nâu đỏ hoặc đá ardoise ? Kiến trúc sư Bùi Uyên, cũng là một người chuyên về cảnh quan và di sản, nhắc lại :

 

« Bộ mặt « Paris hoa lệ » mà chúng ta thấy ngày hôm nay được tạo dựng và định hình phần lớn nhờ công của nam tước Georges Eugène Haussmann thời Napoleon Đệ Tam, nửa cuối thế kỷ 19. Dấu ấn của ông không chỉ ở quy hoạch toàn Paris như hiện nay và kiến thiết lại phần lớn các trục, tuyến đại lộ trung tâm, quảng trường …, mà đặc biệt còn định hình phong cách kiến trúc mang tên ông. Paris lột xác từ những ngõ phố nhỏ hẹp, tối tăm, lụp xụp, mất vệ sinh, trở thành những toà nhà 5-6 tầng kiên cố, có đường nét kiến trúc hài hoà, vật liệu chọn lọc, tỉ lệ vần luật, tạo các mặt đứng thống nhất. Nếu khách tham quan và bộ hành dễ dàng chiêm ngưỡng các mặt tiền của phong cách kiến trúc chiếm đến 60% các toà nhà trong Paris trên tuyến phố, thì lại ít người để ý được phần mái của các toà nhà này chúng, cũng gắn liền với kiến trúc phong cách Haussmann, thành một nét đặc trưng của Paris, mà trong ngành kiến trúc, được mệnh danh « mặt tiền thứ 5 » của công trình ».

 

Trước đó, vật liệu lợp mái đa phần là đá ardoise hay đồng, đối với những công trình lớn quan trọng, nhưng để đáp ứng nhu cầu xây dựng số lượng lớn trong thời gian ngắn, kẽm trở thành vật liệu phù hợp nhất. Trong thời đại thịnh vượng của cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, kim loại là vật liệu được đưa vào ứng dụng rộng khắp, việc lựa chọn vật liệu kẽm trở thành biểu trưng mang tính thời đại. Vật liệu này sản xuất được số lượng lớn, rẻ tiền hơn đá ardoise, lại nhẹ, bền chắc, dễ thao tác, phù hợp nhất để phủ hàng ngàn toà nhà được xây dựng chỉ trong vòng 17 năm.

 

Chính nhờ tính chất mỏng và nhẹ của kẽm mà hệ khung kết cấu mái cũng vì thế được giảm tải, nhỏ gọn hơn, chừa lại không gian đủ lớn để tận dụng thiết kế các phòng ở nhỏ dưới hệ dầm mái. Nhờ thế khai sinh ra khái niệm « chambre de bonne » - căn phòng tầng áp mái dành cho người giúp việc, mỗi phòng chỉ vỏn vẹn 9-10m2, đặc thù trong kiến trúc Haussmann. Ngày nay, các căn phòng nhỏ này thường được giới trẻ hay sinh viên thuê để trọ học ở Paris, để vẫn được sống giữa Paris đắt đỏ với chi phí trong khả năng tài chính ».

 

Nếu xưa kia, tầng cao nhất dành cho những người giúp việc - tầng lớp thấp nhất trong xã hội đô thị, thì ngày nay trật tự đó có phần thay đổi. Nhiều người Paris và đặc biệt người trong giới nghệ thuật, kiến trúc, mong muốn sở hữu một căn hộ trên tầng cao nhất để tận hưởng tầm nhìn không giới hạn, thả tầm mắt trên những ống khói gạch đỏ, những lớp mái xanh ghi, ngắm nhìn lũ chim nhởn nhơ đậu trên đỉnh mái.

Hình ảnh đi vào nghệ thuật, một phần của Paris thơ mộng

 

Đối với du khách đến thăm Paris, chắc không ai bỏ lỡ cơ hội lên thăm đồi Montmartre, quần thể kiến trúc nhà thờ Sacré Coeur, khu phố nghệ sỹ và những dốc thang huyền thoại. Cũng chính tại nơi có địa hình cao nhất Paris, khách tham quan được có cơ hội ngắm toàn cảnh Paris từ trên cao. Và có lẽ họ sẽ không thể không ấn tượng trước một biển màu xanh ghi của những mái kẽm trải dài đến chân trời, điểm xuyết màu ghi sẫm của mái đá ardoise phủ các công trình lớn, những mái đồng xanh vì ôxy hoá theo thời gian của nhà thờ Madeleine, Đại điện Grand Palais, hay chóp vàng lấp loá của Điện Invalides. Kiến trúc sư Bùi Uyên chia sẻ cảm xúc :

 

« Nếu khéo léo chọn được thời điểm ngồi bên những bậc thềm trên đồi Montmartre lúc hoàng hôn buông xuống, ta sẽ được chiêm ngưỡng ánh sáng cuối ngày lấp lánh phản chiếu trên những mái kẽm như sóng bạc. Hoặc giả, ngay giữa một chiều đông xám mù đặc trưng khí hậu miền Bắc nước Pháp, khung cảnh vẫn không làm ta thất vọng, bởi màu mái đan hoà như tan vào màu trời, thành một lớp loang xám xanh trên bức tranh màu nước. Ngoài ra, đứng trên những công trình cao như nóc Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel cũng đủ để mọi người ngắm nhìn những trùng điệp mái nhà Paris phủ màu xanh xám.

 

Cá nhân tôi, nơi tôi thích ngắm nhìn những mái nhà Paris nhất lại là trên tầng 5 của Beaubourg - Trung tâm văn hoá và bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou. Ở đây, gần như ngang tầm độ cao của những ô cửa sổ căn phòng áp mái « chambre de bonne », tôi như được bập bềnh giữa những mái sóng xanh mờ tỏ, lấp ló những đỉnh ổng khói lô nhô, nơi lũ bồ câu xám nghỉ chân sau khi chán chê sà xuống gần những nhóm khách thăm quan đông như trảy hội nơi quảng trường bên dưới.

 

Không biết có phải vì chính ngọn đồi Montmartre vốn là nơi quy tụ của giới nghệ sỹ thời đầu thế kỷ 20, mà khung cảnh Paris trải dài những mái nhà ghi xanh đi vào nhiều tranh vẽ của các hoạ sỹ lớn như Cézanne, Van Gogh, Gustave Caillebotte hay Nicolas de Staël và sau này là trong những bức ký họa màu nước như của Fabrice Moireau, rồi đến bộ ảnh Paris đầy chất nghệ thuật của Michael Wolf hay Gilles Mermet - tác giả cuốn sách « Les Toits de Paris - Những mái nhà Paris » (2011).

 

Người yêu điện ảnh Pháp cũng được mãn nhãn với những khung hình mái nhà Paris trong nhiều bộ phim nổi tiếng, từ chú chuột Ratatouille ngồi ngắm những mái nhà trong màn đêm, đến trường đoạn rượt đuổi gay cấn của nam tài tử Belmondo trên những mái nhà trong bộ phim « Peur sur la ville » (1975), hay trong nhiều cảnh quay của bộ phim lãng mạn đạt 4 giải César và đề cử Oscar « Le fabuleux destin d’Amélie Poulain » (2001), và gần đây nhất là những cảnh panorama 3D Paris đầy ấn tượng trong bộ phim Hugo Cabret dành 5 giải Oscar (2011) ».

Hành trình chọn đề cử di sản UNESCO - từ tiềm thức của một cô bé Paris

 

Trở lại với ý tưởng đưa những mái nhà Paris, và sau đó là nghề lợp mái kẽm, vào đề cử di sản thế giới, kiến trúc sư Bùi Uyên gọi đó là một câu chuyện thú vị và đầy cảm hứng :

 

« Nếu như đề xuất này được đưa ra vào năm 2014, bởi bà Delphine Bürkli, người vừa trúng cử thị trưởng quận 9 Paris thời điểm đó, thì tình yêu với khung cảnh những mái nhà Paris lại ấp ủ trong bà từ khi còn là một cô bé con sống ở khu phố dưới chân đồi Montmartre, mỗi cuối tuần được cha mẹ dẫn đi dạo trên đỉnh đồi để mê mải ngắm nhìn Paris ngay dưới chân mình. Để rồi, khi trưởng thành, cô bé Paris thủa ấy đặt câu hỏi cho bản thân về một hình ảnh thủ đô mà cô muốn giữ gìn, dựng xây. Ở đó, những mái nhà xám xanh là một nét đặc trưng riêng biệt chỉ có ở Paris, cùng với nó là nghề lợp mái kẽm tồn tại hơn 200 năm đang có nguy cơ bị mai một, là những di sản cần được bảo vệ và tôn vinh. Nhất là khi đây là một công việc luôn cần thợ có tay nghề để cải tạo, sửa chữa và làm mới thường xuyên, nhằm giữ gìn chất lượng và thẩm mỹ của « mặt đứng thứ 5 » này.

 

Cùng với nhiếp ảnh gia Gilles Mermet, người chia sẻ tình yêu với những mái nhà Paris, hồ sơ xin đề cử nghề lợp mái zinc Paris được gây dựng trong nhiều năm, để đến năm 2017, chính thức được liệt kê trong danh sách di sản phi vật thể của Pháp ».

 

Hơn trăm năm trước, họa sĩ Van Gogh đã trải qua những tháng năm ngắn ngủi của đời nghệ sỹ trong một căn gác mái khu đồi Montmatre, nơi ông đã ngắm và vẽ những mái nhà Paris, với niềm hy vọng trong những ngày chập chững bước vào nghiệp vẽ, bởi Kinh Đô Ánh Sáng là mảnh đất tự do để ươm mầm nghệ thuật, và ở đó, vẻ đẹp sóng mái xanh ghi đã in sâu trong tiềm thức của những tâm hồn yêu Paris.

Nguồn: Mái nhà lợp kẽm ở Paris, di sản kiến trúc Haussmann thời Napoleon Đệ Tam, RFI ngày 26.02.2021 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...