Làm ăn với Mỹ (kì 1)

Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong hành trình đó, đã có những giai đoạn thật khó khăn đối với cả hai bên, để biến hai kẻ “cựu thù” trở thành một mối quan hệ đối tác thương mại. Trong hành trình ấy, có những con người, bằng nhiều cách khác nhau, đã tham gia vào và/hoặc chứng kiến những bước thăng trầm trong mối quan hệ kia. Kết quả là, họ đã có những trải nghiệm đáng giá và khi được kể lại, đủ làm mê mẩn người nghe. Trong một ngày rảnh rỗi, tôi chọn lọc những bài này, hi vọng chia sẻ với bạn những câu chuyện cũ, nhưng thật thú vị.

Kì 2: Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ

Kì 1: LÀM ĂN VỚI MỸ

Một bài thật hay của Phạm Phú Ngọc Trai về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nó không chỉ là một bài báo, mà quan trọng hơn, nó còn chứa đựng nhiều tình tiết mang tính sử liệu thật thú vị về mối quan hệ thăng trầm giữa hai kẻ “cựu thù”, về cách mà Việt Nam đã thay đổi để có được thành tựu như hôm nay.

Rạng sáng ngày 3/2/1994, nhóm doanh nhân chúng tôi ngồi hồi hộp chờ đợi một tin được báo trước là “vô cùng quan trọng”.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam vào hôm đó. Chúng tôi đang ngồi ở "Khách sạn nổi" – khách sạn 5 sao duy nhất tại TP HCM khi ấy cùng bạn bè quốc tế. Mặc dù được báo trước, nhưng khi nghe giọng của Tổng thống vang lên, chúng tôi và những người bạn Mỹ, Singapore, Thái Lan... không khỏi vỡ òa. "Cheers" tất cả đồng thanh, cụng nhau những ly rượu mừng chúc chiến thắng của tinh thần hòa giải và cầu chúc nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau phát triển.

Đó là tin chính trên tất cả các mặt báo lớn. Cấm vận đã được áp đặt từ năm 1975 khi quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. "Tôi tin tưởng rằng quan hệ kinh doanh được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước", nghe ông Clinton nói, chúng tôi đã cảm thấy đặc biệt và phấn chấn khó tả. Điều tôi và nhiều người mong đợi bao lâu đã thực sự đến. Nếu không có ngày này, Việt Nam sẽ không có lựa chọn, sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ kẻ thù thành bạn, đó là mốc quan trọng để chúng tôi dám nghĩ tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn, những cơ hội phát triển cho dân tộc. Đúng là như vậy: không có kẻ thù vĩnh viễn.

Chúng tôi cùng các đối tác trong công ty nước giải khát quốc tế IBC, một liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, đã chuẩn bị chào đón ngày này. Đối tác của chúng tôi phía Thái Lan tối hôm ấy cũng chờ đợi tuyên bố của Clinton, để ngay sáng hôm sau, can "nước cốt" đầu tiên được máy bay chở từ Bangkok đến Sài Gòn, đưa tới nhà máy tại Hoóc môn. Những chai nước giải khát Pepsi đầu tiên đạt tiêu chuẩn Mỹ được phát miễn phí cho người dân tại Tân Sơn Nhất và Nhà hát lớn Thành phố, là sản phẩm Mỹ đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, bởi người công nhân Việt Nam. Cảm xúc những ngày đó thực sự rất đặc biệt và mới mẻ, cho tới tận hôm nay. Bởi trước đó, dù rất muốn, chúng tôi không thể làm được gì nhiều. Theo luật Mỹ, không được sản xuất kinh doanh sản phẩm của Mỹ tại Việt Nam.

Những tín hiệu khả quan của quá trình dỡ bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ rục rịch từ cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI, Mỹ cử một đoàn do hai Thượng nghị sĩ Hart và Lugar dẫn đầu sang Việt Nam gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Rồi trước năm 1994, bằng mối quan hệ của mình, tôi đã cùng vài người bạn trực tiếp đàm phán không nhờ tư vấn với Coca-Cola trước, để rồi lại chọn Pepsi đưa vào Việt Nam qua liên doanh tay ba gồm Việt Nam, Macondary Company Inc của Singapore và PepsiCo.

Ngay tháng tư năm đó, chúng tôi bay sang Mỹ. Một Tháng tư vô cùng đáng nhớ.Đoàn hơn 10 người gồm tổng giám đốc một số công ty quốc doanh, kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở kế hoạch đầu tư... và trưởng đoàn  phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phạm Chánh Trực. Chúng tôi phải bay qua Bangkok để xin visa Mỹ. Máy bay hạ cánh xuống New York, cũng là lần đầu tiên tôi biết đến nước Mỹ. Tôi đã ấn tượng vì người lái xe đưa đón chúng tôi ăn mặc đẹp hơn chúng tôi rất nhiều.

Trong hơn 10 ngày, chúng tôi tham gia các hội thảo giới thiệu với các doanh nhân Mỹ về Việt Nam, cơ hội làm ăn, văn hóa. Các nhà đầu tư Mỹ sau đó hỏi rất nhiều về việc làm sao chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, hạ tầng, thị trường, thủ tục kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu, nhân lực, có cả những câu hỏi mang định kiến hay dè dặt, hoài nghi vì hai bên đều vừa trải qua giai đoạn 19 năm coi như kẻ thù. Tôi được phân công trả lời một doanh nhân Mỹ câu hỏi về thủ tục đầu tư tại Việt Nam, với hàm ý tại sao còn nhiều khó khăn thế. Tôi đã nói rằng, chúng tôi đã có Luật Đầu tư, có những cơ hội bằng xương bằng thịt như công ty của chúng tôi đã sản xuất được sản phẩm Mỹ bán cho người Việt Nam. Với dân số 71 triệu người năm 94, Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Những thách thức khó khăn dĩ nhiên là có vì chúng tôi mới thống nhất có mười mấy năm, nền kinh tế mới ra khỏi thời bao cấp, nhưng đó là cơ hội để các ông khám phá thị trường, những ai đi sớm sẽ có những quả ngọt.

Từ đó, mặc dù Việt Nam có quyền mua bán với Mỹ và công ty Mỹ có quyền làm ăn với Việt Nam nhưng cũng chỉ mới có một số người đi đầu. Tại văn phòng của mình ở Kỳ Đồng, quận 3, tôi được đón tiếp những doanh nhân Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và cả những người Việt Nam muốn làm ăn với Mỹ. Vẫn là những câu hỏi tình hình kinh tế xã hội Việt Nam thế nào, lạm phát ra sao, giao dịch ngoại tệ ra sao, thị trường ra sao, văn hóa, nhân lực thế nào. Có những doanh nhân Mỹ còn e ngại bởi sợ bị Việt Nam ‘ghét’.

Tôi kể kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, đặc biệt về văn hóa người Việt, thừa nhận chính sách vĩ mô không phải lúc nào cũng rõ ràng. Dù hai bên đã thân thiện hơn, nhưng tôi cũng cảm nhận được vẫn còn những dù sượng sùng, dè dặt, cuộc chiến kéo dài cũng để lại nhiều vết thương vô hình ở cả người Mỹ và người Việt. Không phải mọi tương tác đều thuận lợi.

Sau đó, kinh doanh mua bán giữa hai bên ngày càng nhiều. Chúng tôi cũng tham dự nhiều diễn đàn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá cơ hội hợp tác kinh doanh. Công ty chúng tôi cũng tài trợ cho nhiều nghệ sỹ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn và ngược lại, mời Boney M sang diễn tại Sài Gòn. Chúng tôi nhớ Boney M và ca sĩ Leo Sayer đã biểu diễn thân mật ấm cúng tại quán Blue Ginger của nhóm báo Saigon Times. Blue Ginger, một kỷ niệm, nay không còn nữa. Cũng như Khách sạn nổi. Tất cả dường như thay đổi để tạo ra các "bình thường mới" sau cấm vận.

Năm 2000, sáu năm sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Clinton đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. "Lịch sử chúng ta để lại đằng sau dù đầy đau đớn và khó khăn, nhưng không được để điều đó chi phối chúng ta", ông nói.

Sau 26 năm từ ngày Tổng thống Clinton đọc lệnh dỡ bỏ cấm vận, gác một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất của loài người vào quá khứ, quy mô thương mại giữa hai nước giờ đã chạm con số 60 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam và mối quan hệ tiếp tục hứa hẹn với cơ hội mới cho các nhà đầu tư hai nước với giá trị nhiều tỷ USD. Những cái tên GE, CocaCola, Pepsico , P&G Microsoft, IBM, Nike, ExxonMobil và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác giờ đây chẳng xa lạ gì với người Việt.

Quản trị kinh doanh là nghề má tôi chọn khi còn trẻ, bây giờ nhìn lại, chúng tôi mới thấy sự chọn lựa của mình đã góp một phần khiêm  tốn vào con đường hội nhập của đất nước. Bây giờ, tuổi cao, tôi vẫn giữ được niềm cảm hứng hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong khả năng và trải nghiệm cao nhất có thể của mình

Sau hơn 30 năm gắn bó với kinh doanh và lãnh đạo, dù có lúc thất bại, nhưng nghĩ cho cùng chúng tôi không thấy tiếc những gì đã làm. Chúng Tôi tin vào phương châm: "suy nghĩ quốc tế, hành động địa phương" (Think global, do local), thấm nhuần văn hoá Việt Nam, biết gắn bó với cộng đồng, có như vậy mới tạo được sự khác biệt, bền vững.

Chúng tôi tin đó cũng là công thức để những thế hệ doanh nhân kế tục của Việt Nam định hình vị trí của mình trên bản đồ kinh thương thế giới.

Nguồn: Tin Nhanh Việt Nam ngày 30.4.2020

Nhận xét