Đặt tiêu đề cho bài báo hoặc bài trên mạng thật ấn tượng

Tại sao có những tờ báo luôn “giật” những cái “tít” rất giật gân? Trong bối cảnh hiện nay thì những tiêu đề giật gân có phải là điều nên làm hay không?

10 năm trước khi viết báo, tôi nhận được lời khuyên thế này “nếu không có một cái tít thật THU HÚT, bạn sẽ không có cơ hội mang cái nội dung hay ho đến bạn đọc”.

May mắn là BBC Việt ngữ đã có một bài thật hay về chuyện này. Blog của tôi ít khi đăng bài của người khác, nhưng bài này là ngoại lệ vì nó thật sự hữu ích cho bạn hành nghề luật muốn viết báo, viết blog hay đơn giản chỉ là viết “caption” cho fb hoặc instagram. Mời bạn đọc ngay sau đây:

Khi đặt tựa bài, BBC chú trọng sự ngắn gọn, trong sáng, đủ ý và tránh dùng từ mạnh.

Đặt tựa là ‘điểm nhãn’ cho bài báo

Các báo lớn tại Anh thuê cả ‘chuyên gia đặt tựa’ cho những bài trang nhất để hút khách tối đa nhằm bán báo.

Với BBC công việc này tuy không mang tính thương mại nhưng cũng rất quan trọng, vì đặt tựa không khác gì chuyện khai sinh cho một tác phẩm.

Ngắn và rõ

Một số báo bình dân ở Anh nêu nguyên tắc đặt tựa gồm ba chữ S: short, sharp, shock tức là ngắn, sắc và sốc.

Ví dụ một bài trên trang web của báo lá cải The Sun: “Maniac's bid to shoot new Italy’s PM”, tạm dịch là “Kẻ cuồng định bắn tân thủ tướng Ý”.

Nhưng BBC chú trọng sự ngắn gọn, trong sáng, rõ ý và thường đặt câu có động từ và tránh dùng từ quá mạnh.

Ví dụ cũng tin trên được BBC News chạy tựa: “Italy gunman 'targeted politicians' in Rome shooting” (“Tay súng Ý nhắm các chính trị gia trong vụ nổ súng ở Rome”).

Tựa đề còn cần ngắn gọn vì các bài báo ngày nay được đọc trên cả các máy di động hoặc qua Twitter.

Bạn đọc không mấy ai nhớ nổi cả một bài báo nhưng tựa đề hay có thể khiến họ nhớ mãi.

Vì thế, người biên tập cần chú ý tạo ấn tượng cho bài, không khác gì họa sỹ ‘điểm nhãn’ cho con rồng để hoàn tất bức tranh, theo cách nói ngày xưa.

Ngoài ra, tựa đề cần phù hợp với thể loại của bài. Tin chính trị, kinh tế cần tựa đề nghiêm túc hơn bài cho mục giải trí hay thể thao.

Riêng với tin thời sự, BBC quan niệm tựa đề cần đủ ý nhưng ngắn gọn, không thừa chữ.

Đặt tựa vừa thừa chữ lại vừa thiếu ý như một số báo, kể cả ở cả Việt Nam là cách cần tránh.

Lấy ví dụ tựa bài: “Vận chuyển 2,1kg ma tuý, một phụ nữ Philippines bị tù chung thân” trên một tờ báo ở Việt Nam tháng 4/2013.

Số lượng ma tuý chi tiết như trên là không cần thiết, trừ khi nó có ý nghĩa về tin tức, hoặc rất ít (Mang 100 gram ma tuý đã bị tù), hoặc rất nhiều (Chuyển hàng chục kilogram).

Ngược lại, dù chú ý đến cảm xúc bạn cũng không nên mặc định chuyện người đọc chia sẻ tình cảm nào đó với người viết bài.

Ví dụ như tựa đề: “Đau lòng xem clip mẹ già vái lạy con trai” trên một báo mạng khác ở Việt Nam.

Tựa đề cũng không nên là một đoạn diễn văn, trừ khi bạn cố ý muốn trích một câu nhằm làm nổi bật lên câu chuyện.

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi nhằm gợi trí tò mò của bạn đọc và buộc họ phải đọc cả bài.

Ví dụ như tựa “Đền Hùng từng bị yểm bùa?” trên bbcvietnamese.com 17/3/2013.

Quan trọng với ai?

Nhà báo cũng cần tránh nêu ra một sự kiện mang ít tính tin tức như trích lại nội dung thông báo của các hội đoàn, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

Ví dụ như một tựa đề thiếu động từ trong một bài trên báo Việt Nam:

“Giải thưởng Kiến trúc nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp”.

Kể cả khi viết tin chính trị, thời sự quan trọng, tựa đề loại như “Chủ tịch T thăm và làm việc với thành phố H” cũng quả là đơn điệu, không rõ về tầm quan trọng của tin.

Chuyến thăm đó có thể quan trọng cho các báo địa phương nhưng với báo tầm quốc gia, quốc tế thì bạn đọc có quyền được biết vì sao đây là tin đáng để đọc.

Tóm lại, đặt tựa cho một bài báo là công việc cần đầu tư thời gian xứng đáng nhằm chuyển tải tốt nhất nội dung bài.

Vì không gì đáng tiếc bằng chuyện một bài báo có nội dung hay, được đầu tư công phu nhưng ít người đọc vì tựa đề mơ hồ, khô khan hoặc vừa thừa chữ lại thiếu ý.

Nhận xét