Cái giá của những lựa chọn

Mùa đông năm ấy, mấy người bạn Pháp bảo rằng họ sẽ đi “săn” Bắc Cực Quang, và ngỏ lời mời tôi đi chung. “Đại ca” cũng bảo, em nên đi cruise vượt biển, lên thăm Ngôi Làng của ông già Noel, thử cảm giác ngồi xe tuần lộc. Lúc đó tôi đang mắc kẹt trong việc hoàn thành Luận án tiến sĩ nên mặc dù lòng đầy háo hức, tôi đã nói KHÔNG. Kết quả là cho đến bây giờ, tôi chưa được tận mắt thấy bắc cực quang hay thử cảm giác ngồi xe tuần lộc như thế nào. Chưa biết đến khi nào, mình mới lại có dịp đến Bắc Cực như ngày ấy.

Có những khi lựa chọn này là đúng với người này, nhưng chưa hẳn đã đúng với người khác. Đại ca tôi là con người thông minh xuất chúng, làm Nghiên cứu sinh ở NUS danh giá, học mà như chơi. Nhờ đó đại ca có nhiều trải nghiệm cuộc sống thú vị, kết giao nhiều, những điều mà sau này giúp đại ca trở thành một học giả lừng lẫy của khu vực. Nhưng tôi biết, để được như vậy, đại ca đã phải phấn đấu trong nhiều năm, kể từ khi còn nhỏ. Xuất phát điểm của tôi, sao bằng được. Nên ngày ấy, chọn cách tiêu cực là dồn gần như toàn bộ sức lực cho luận án. Tôi đã có một luận án, mà giờ ngồi đọc lại, vẫn có thể tự mỉm cười với chính mình, công bố rộng rãi chứ không cam chịu nằm ở một góc tàn thư nào đó. Cho đến bây giờ, nếu hỏi lại chính mình, tôi có nuối tiếc những chuyến đi hay không? Thú thật là tôi cũng không biết. Có những điều, những lựa chọn mà mình sẽ không bao giờ biết là đúng hay sai. Trong hoàn cảnh này, làm gì có chuyện đúng hay sai. Khi đã chọn thì phải chấp nhận kết quả của nó, vậy thôi.

Dạo này, tôi đọc một chút về Phật giáo. Trong một xã hội đang chao đảo các hệ giá trị như Việt Nam, có lẽ tôi cần lời khuyên từ các bậc tiền hiền. Nhưng, lời khuyên giá trị, thì đâu phải dễ mà tìm được. Nếu đọc vài cuốn sách mà tìm ra chân lý, chắc xã hội chỉ toàn những bậc vĩ nhân. Tuổi trẻ là chuỗi của những va vấp, chiêm nghiệm. Sau rốt, thì tôi cũng nhận thức ra được vài điều, và để lòng thấy được sự bình yên.

Tôi nhớ Châu Âu những ngày nắng đẹp. Một mình bắt xe bus ra khu phố cổ, đi lang thang như một du khách và cuối cùng là bước vào quán café quen, đểu kêu một ly latte béo ngậy. Cô bán café, có nụ cười như toả nắng, vẫn thường cười thật tươi khi hỏi câu “vẫn như thường lệ” trở thành một trong những kỉ niệm thật đáng yêu. Tôi nhớ chuyến đi xuyên biên giới vùng Baltic, nhìn cánh đồng hoa cải vàng choé cả một vùng biên đẹp đến nao lòng. Và có lẽ, điều đáng nhớ nhất là cuộc gặp một người Việt ở sân ga Vác xa va của Ba Lan mùa hè năm ấy. Nó khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về thân phận những “Việt kiều” nơi đất khách.

Đặt những kí ức ấy bên cạnh Tây Âu hoa lệ, có lẽ thật khác biệt. Nhưng cho đến bây giờ, nếu nhìn nhận một cách tích cực, tôi cho rằng nó là quãng trải nghiệm đáng giá. Cuộc đời không bao giờ là trọn vẹn. Kiếp người là hữu hạn, nên muốn một cuộc sống viên mãn, phải chấp nhận nói KHÔNG với rất nhiều thứ. Có lần đại ca bảo, người có bản lĩnh, phải là người dám nói KHÔNG với rất nhiều thứ. Nói như Ngô Thừa Ân thì “trời đất còn khiếm khuyết mà, huống chi là một bộ kinh sách”. Cho nên, biết hài lòng với những gì mình đang có, cũng là một thứ trải nghiệm đáng giá của tuổi trẻ vậy. Mãi đến gần đây, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của lời khuyên ấy. Và khi nhận ra điều ấy, tuổi trẻ cũng đã dần bỏ ta đi.

Nhận xét