Năm 2010, tôi viết những
bài báo đầu tiên. Tờ TuanVietNam, một chuyên trang đình đám của VietNamNet
(VNN), là nơi tôi gửi bài báo đầu đời, nhưng Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DDDN) mới
là tờ để lại trong tôi nhiều kỉ niệm.
Tổng biên tập của DDDN là nhà báo Phạm
Ngọc Tuấn, một nhà báo lão luyện và trí tuệ. Trong khi làng báo Việt Nam nhiều
tờ phải dẹp tiệm, bị đình bản, “thay máu” để viết những thứ tầm thường thì nhờ
phong cách làm báo trí tuệ và “rất đời” ấy, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn vẫn giữ cho
tờ DDDN tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay. Có lần, biên tập một bài của
tôi, anh đã truyền một một kỹ thuật tuyệt diệu. Anh bảo: “Làm báo là cuộc
chơi với những con chữ. Vấn đề sẽ rất dễ dàng để viết những lời đao to búa lớn.
Công chúng sẽ đón nhận cuồng nhiệt. Nhưng viết để làm gì, nếu cuối cùng không
được đăng? Cho nên, nếu có thể làm “mềm” con chữ đi, nhưng vẫn bảo đảm truyền tải
được thông điệp, sao lại không làm?”.
Quả thật, lời khuyên ấy thật ý nghĩa.
Còn nhớ cũng giai đoạn ấy, VNN nổi lên như một tờ với những bài phản biện xã hội tuyệt hảo nhưng phong
cách làm việc gai góc hơn. Những bài của VNN liên tục bị gỡ. Nhưng có hề gì,
internet đã luôn kịp thời copy và lan truyền chóng mặt theo những cách thức của
riêng nó. Theo một phong cách dè dặt, vì chưa có dịp kiểm chứng từ người có
liên quan, tôi đoán VNN đã đạt được mục đích của mình là lan toả những thông điệp
mà họ cho là đúng.
Tôi không có đủ nhận thức để đánh giá
liệu Ngày Báo Chí Cách Mạng của Việt Nam và Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới (World Press Freedom Day – ngày 3 tháng 5) khác nhau thế nào. Nhưng với trải
nghiệm báo chí của mình, tôi biết nhà báo Việt Nam vất vả hơn các đồng nghiệp
thế giới của mình nhiều. Nó là qui hoạch báo chí (tờ nào, chỉ được viết về cái
gì), kiểm duyệt sự phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng và cả cơ chế thị trường,
làm thế nào để tồn tại khi báo in ngày càng teo tóp, báo mạng thì chỉ cho đọc
miễn phí.
Đặt trong bối cảnh ấy, mà vẫn giữ cho
mình được trái tim thổn thức, biết phẫn nộ trước những ngang trái, biết suy tư
trước những bước chuyển xoay của thời cuộc, biết kiêu hãnh để tránh phải viết
những thứ hèn kém, tầm thường, thì không hề dễ dàng. Thời buổi này, khi báo chí
tràn ngập những hình ảnh mang khuynh hướng tính dục, những chuyện giật gân, những
bài bồi bút vô liêm xỉ, quả thật giữ cho tờ báo hoặc bài báo của mình được “sạch”
đã là chuyện đáng nể.
Nhân ngày Báo Chí Cách Mạng, xin kính
chúc các nhà báo chân cứng đá mềm, luôn có nhiều niềm vui với công việc.
Nhận xét
Đăng nhận xét