M&A: Chiến lược viên thuốc độc

Những luật sư tư vấn chuyên nghiệp, việc thực hiện các giao dịch M&A là chuyện như cơm bữa. Tuy vậy, thường ta chỉ thấy bề nổi của các thương vụ. Và theo đó vai trò của các luật sư được nhìn nhận ở việc tư vấn Cấu trúc giao dịch, Đánh giá các rủi ro và Soạn thảo các giấy tờ pháp lý (trong đó quan trọng nhất là Hợp đồng mua bán cổ phần).

Tuy vậy, nếu nhìn từ góc độ chiến lược ta sẽ thấy M&A thú vị hơn rất nhiều so với những công việc “giấy tờ” có phần nhàm chán. Trong bối cảnh bài viết, tôi muốn giới thiệu với mọi người một trong những khía cạnh “ma mị” nhất của M&A: chiến lược tự vệ của bên bị thâu tóm trong các vụ thâu tóm thù địch.

Bối cảnh
M&A không phải lúc nào cũng là một thương vụ mang tính thân thiện (friendly takeover). Đôi khi các bên phải tiến hành những vụ thâu tóm thù địch (hostile takeover). Đó là khi bên mua muốn mua, nhưng bên bán không muốn bán. Bên bán ở đây phải hiểu trước hết là Hội đồng quản trị và/hoặc các cổ đông nắm giữ vai trò chủ chốt của công ty mục tiêu.
Lựa chọn của bên mua lúc này là họ sẽ chào giá công khai và/hoặc thỏa thuận với từng cổ đông để mua cổ phần với mức “không thể từ chối”. Kết quả là HĐQT bên bị thâu tóm dù muốn hay không cũng phải ngậm ngùi chuyển giao công ty một khi bên mua đạt đến 51% cổ phần (hoặc một tỷ lệ khác theo qui định của Điều lệ qua đó bên mua có quyền kiểm soát công ty).
Cho nên vấn đề của HĐQT bên bị thâu tóm đó là LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỰ VỆ trước các hành vi thâu tóm thù địch này.

Giải pháp
Một chiến lược kinh điển để tự vệ trước các hành vi thâu tóm thù địch đó là chiến lược Viên Thuốc Độc (poison pill). Nguyên lý cơ bản của Viên Thuốc Độc (VTĐ) đó là HĐQT sẽ làm cho khoản đầu tư của bên mua sẽ trở thành một khoản đầu tư thua lỗ. Họ sẽ có thể thực hiện các hành vi làm cho bản thân công ty bị thâu trở nên kém hấp dẫn bằng cách làm cho công ty này bị thiệt hại nặng nề. Khi đó, việc cố gắng mua quá nhiều cổ phiếu của một công ty đang bị giảm giá trị sẽ là một khoản đầu tư không khôn ngoan.

Cho nên “poison” được hiểu là như vậy. Ví dụ dễ hiểu của chiến lược VTĐ đó là trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hoa Kỳ với tựa SUITS, một công ty sở hữu chuỗi 10 khách sạn đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Trong số 10 khách sạn, có 2 khách sạn mang lại khoản 40% lợi nhuận. Harvey Specter với tư cách là luật sư của bên bị thâu tóm, đã thực hiện chiến lược VTĐ bằng cách dọa bán hai khách sạn này. Kết quả là bên mua không muốn mua thêm.

Một vài lưu ý
Khi tự đầu độc chính mình, xét về bản chất HĐQT đang thực hiện các hành vi gây hại cho công ty. Điều này trong một chừng mực nào đó đẩy HĐQT vào tình trạng đối diện với rủi ro vi phạm nghĩa vụ trung thành đối công ty. Các vụ kiện đòi bồi thường đối với các nhà quản lý, xét về mặt lý thuyết là hiện hữu. Cho nên, chiến lược tự vệ này, là một con dao hai lưỡi. Tay chơi sành sõi sẽ đạt mục tiêu, và tay chơi amateur sẽ phải trả giá vậy.

Nhận xét

Đăng nhận xét