Doanh nghiệp có nhất thiết phải có ngành kinh doanh cốt lõi?

Chưa bao giờ việc quản trị doanh nghiệp lại trở nên khó khăn như lúc này. Một cách thông thường, các nhà quản trị phải luôn xác định, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì. Dựa trên giá trị cốt lõi đó, theo thời gian sẽ mở rộng qui mô của doanh nghiệp bằng cách mở rộng ra những ngành nghề kinh doanh khác dựa trên giá trị cốt lõi ấy.

Việc làm này tựa như nuôi một cái cây. Thân cây chính là giá trị cốt lõi. Thân vững chải lúc ấy mới cho đâm các cành nhỏ. Cành nhỏ tựa như các ngành mới phát sinh của cây. Cây và cành cùng phát triển hỗ tương nhau. Cứ như vậy, chủ sở hữu sẽ có một cây to vững chãi.

Tuy vậy, trong sự bùng nổ của công nghệ hiện nay, nó cũng tạo nên những thách thức về mặt mô hình. Trong một lần trao đổi với một bạn làm công nghệ, tôi thấy bạn cứ loay hoay mở rất nhiều công ty. Ác nỗi, mỗi công ty mà bạn lập ra lại kinh doanh trong một ngành nghề khác nhau, với đội ngũ nhân sự khác nhau. Sự liên kết của các công ty trong "group" rất rời rạc. Điều ấy làm tôi ngạc nhiên không ít.

Cách bạn lựa chọn đơn giản là bạn chỉ muốn xây dựng một bụi cây gồm nhiều cây nhỏ. Bởi cản trở lớn nhất của bạn trong lĩnh vực công nghệ là bài toán về qui mô. Bạn bảo “Những đứa xuất sắc nhất trong ngành, đã đi làm cho các Big Corp., tôi không đủ hấp dẫn để giữ chân những người như vậy. Doanh nghiệp của tôi, kiếm được khoảng vài chục đứa nhân viên chiến là hết hơi. Doanh nghiệp đối diện với hai khó khăn để bức phá thành Big Corp.:

Một là: Sự thiếu hụt về nhân sự. Cũng nên nói thêm, ngành công nghệ Việt Nam và những ngành nghề hoạt động xoay quanh nó như digital marketing, fintech, OTT… vì một lí do gì đó, đã xác lập một mặt bằng lương (theo cá nhân tôi) là điên rồ.
Hai là: Bài toán về tính kinh tế của qui mô. Ngay cả việc gia tăng qui mô thì hiệu suất của các doanh nghiệp SMEs về công nghệ đối diện với giới hạn qui mô. Một vài doanh nghiệp SMEs vượt qua ranh giới ấy để nhóm những bước chân đầu tiên vào cuộc chơi lớn hơn thì họ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các Big Corp. trong ngành (kể cả tay chơi quốc nội và tay chơi đa quốc gia).

Cho nên, trong trường hợp chấp nhận làm SMEs, thì cũng chả có vấn đề gì. Nếu không thể trở thành một cây to thì việc làm một bụi cây gồm nhiều cây nhỏ, lợi nhuận mang lại đủ để có một cuộc sống thú vị, tại sao lại không?"


Câu chuyện này cũng đủ để tôi nghĩ về mô hình phát triển của các hãng Luật? Có nhất thiết phải vào Bitexco hoặc nhừng toà nhà thương mại đắt đỏ, vinh danh trên Legal 500 mới là con đường phải đến? Liệu rằng nghề luật có thể đóng gói dịch vụ của mình để cung cấp hàng loạt cho khách hàng? Hoặc xa hơn, nghề luật có mối liên hệ nào trong doanh chảy về Big Data, AI, blockchain?

Nhận xét