Review sách: Phía Tây Không Có Gì Lạ


Phía Tây Không Có Gì Lạ” của Erich Maria Remarque là một  cuốn sách mỏng (đâu khoảng hơn 200 trang), nhưng phải mất 3 ngày anh mới đọc xong. Cũng lâu rồi mới đọc được một tác phẩm hay như vậy. Sau bao nhiêu năm, anh cứ tưởng cảm xúc của mình đã dần trở nên chai sạn ấy vậy mà khi đọc cuốn này, lòng lại xúc động lắm em ạ. Có nhiều điều thay đổi trong anh.


Chiến tranh luôn là một chủ đề rất gai góc, nhưng không có cảm giác gì tác giả đang “lên gân” cả. Ngay từ đầu, lời đề tựa tác giả đã viết “Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng không phải là một lời thú tội. Nó chỉ cố gắng kể về một thế hệ đã bị chiến tranh huỷ hoại – cho dù họ đã thoát khỏi đạn pháo của chiến tranh”. Có một người cứ kể về những điều đã diễn ra của đại đội II. Không phê phán, không dạy bảo hoặc nhắn nhủ gì cả. Vậy mà những gì người đọc cảm nhận lại rất rõ ràng. Rằng chiến tranh là tàn bạo, tàn bạo hơn tất cả những gì mà ngôn từ có thể chuyển tả được. Chiến tranh được nhìn qua những lát cắt của những qua bom ngạt khiến cho những người lính phải chết ngạt trong từng hơi thở. Là chiến hào mà đôi khi mạng sống của những người lính được quyết định không phải bởi sự kiên cố của các công sự hay tài năng lẩn trốn mà chỉ bằng sự may mắn. 


Chiến tranh thật ghê tởm và thật vô nghĩa khi Remarque mô tả về những người tù binh Nga. Nhìn vào những đôi mắt, những gương mặt tù nhân ấy, những người lính Đức thấy họ cũng hiền lành như những người nông dân của nước Đức. Họ nào đã biết đến sự tồn tại của đối phương, thì nói gì đến thù hận nhau. Ấy vậy mà, một vài kẻ nào đó, chỉ bằng một chữ kí, đã đẩy những con người ấy bước vào cuộc chiến, trở thành những kẻ thù hận nhau. Và cũng thật mỉa mai, từ vị thế là những kẻ thù, nhưng đôi khi, cũng chỉ một chữ kí, những kẻ đang chém giết nhau, sẽ trở thành những người bạn. 


Có những người, đang ở một độ tuổi thật thanh xuân. Họ sẽ bước vào những tháng năm thật tươi đẹp. Ấy vậy mà, bằng một cách nào đó, chiến tranh đã tước đoạt của họ cái thanh xuân vĩnh viễn. Những chàng trai của lớp học năm ấy, vì cái gọi là “chủ nghĩa quốc gia”, đã bước chân vào quân ngũ. Nhưng cách những chàng trai trẻ ấy bước vào cuộc chiến cũng rất khác. Họ, mang trong mình lí tưởng bảo vệ cho đất mẹ, cho đến lúc bước vào cuộc chiến, nằm ở chiến hào, cảm nhận về chiến tranh đã không còn nguyên vẹn như ngày đăng kí vào quân ngũ. Đến đây, tôi thấy sự tương đồng khi Bảo Ninh viết trong Nỗi Buồn Chiến Tranh. Dù theo đuổi ý thức hệ nào thì xét đến tận cùng họ cũng chỉ là những con người đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Trong họ là những khát khao dục vọng, cái đớn hèn khi đối diện với cái chết. Cái tuổi 20 ấy sau rốt thì cũng bị cái khốc liệt của cuộc chiến tranh tước đoạt vĩnh viễn. Có lần, những người lính đã hỏi nhau “mày sẽ làm gì khi hoà bình”. Và rồi, họ không trả lời được. Những người lính ở tuổi 30, họ có ruộng vườn, có một gia đình, có nghề nghiệp. Chiến tranh chỉ làm cho cuộc sống bị gián đoạn. Nhưng những chàng trai ở tuổi 20, nào họ đã có gì để níu giữ họ khi cuộc chiến này sẽ qua đi?


Lòng chợt mềm đi khi Paul được về thăm nhà. Không có những lời hoa mĩ, không nhiều nước mắt. Vậy mà, lòng biết bao xốn xang trước những câu thoại giữa Paul và mẹ. Hủ mức dâu tây, hai cái quần lót mà bà để dành cho con trai, cũng đủ chứa đầy tình yêu của một người mẹ. Đọc đến đây, tự dưng lại nghĩ về gia đình, về những yêu thương, gắn kết của cái gọi là tình thân. Lòng thấy rưng rưng. Anh lại nhớ về ngày đã ngang qua Đức trong tháng ngày lãng du ở Châu Âu, nhưng chưa một lần dừng chân nước Đức. Anh sẽ thăm Đức nếu sau này anh có dịp quay trở lại Châu Âu. Anh sẽ dẫn em đến Cologne, một thành phố mà có lần một bạn người Đức đã kể anh nghe.


Một cuốn xứng đáng để đọc, xứng đáng với danh xưng là cuốn sách hay nhất mọi thời đại về đề tài chiến tranh. Bạn sẽ cảm nhận sự vô nghĩa của cuộc chiến. Thế mới hiểu, tại sao nước Đức đã trục xuất Remarque và thậm chí là tước quốc tịch của ông vì cái gọi là “Chủ nghĩa thủ bại”. Đọc Phía Tây Không Có Gì Lạ, mới thấy những bài cổ xuý tham gia quân ngũ trở thành những thứ thật lố bịch. Văn chương đỉnh cao của Remarque làm cho những tác phẩm viết về chủ nghĩa anh hùng chiến tranh theo đơn đặt hàng trở thành những thứ dị hợm.


Phía Tây Không Có Gì Lạ không chỉ có nỗi buồn. Dầu ngắn ngủi, xen lẫn đâu đó trong câu chuyện của Remarque vẫn pha lẫn những trò tếu táo của những anh lính trẻ. Dường như chiến tranh, thậm chí là cái chết vẫn không đủ để vùi dập cái yêu đời của tuổi trẻ. Và sau tất cả, ta nhận ra rằng thật may, mình đã không ở trong cuộc chiến ấy. Để nhận ra rằng, những khó khăn mà ta vẫn càm ràm hằng ngày, chỉ là những trở ngại nhỏ xíu.

Nhận xét