Chuyển đến nội dung chính

Năm lời khuyên khi bạn muốn làm ở Hãng Luật Lớn

Có nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp, mong muốn được ứng tuyển vào các hãng Luật có uy tín tại Việt Nam. Có nhiều vấn đề mà nhiều bạn quan tâm. Vì vậy, tôi đã liên hệ với Luật sư Nguyễn Hữu Phước của Công ty Luật Phuoc & Partners, nhờ anh giải đáp giúp các thắc mắc trên của đông đảo các bạn sinh viên.

Trước hết cảm ơn anh đã nhận lời  “cuộc phỏng vấn bỏ túi này”
 Thứ nhất: Với tư cách là người điều hành một hãng Luật hàng đầu của Việt Nam, xin anh chia sẻ với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp tiêu chí mà các hãng Luật thường yêu cầu khi tuyển dụng là gì?

[Phước: Theo chính sách tuyển dụng của Phuoc & Partners, các tiêu chí cơ bản đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp là:
- Có kiến thức và hiểu biết tốt trong các lĩnh vực luật về thương mại và doanh nghiệp đồng thời có thành tích nổi bật trong học tập;
- Thành thạo tiếng Anh và tiếng Việt (cả viết và nói); và
- Có tư duy pháp lý tốt.
Ngoài ra, Phuoc & Partner cũng lưu tâm đến các kinh nghiệm làm việc của ứng viên thông qua kỳ thực tập hoặc các công việc làm thêm khác.]

Thứ hai: Giả định rằng, một bạn sinh viên có kết quả học tập rất tốt, tư duy khá nhưng ngoại ngữ kém, khả năng mà bạn ấy được nhận vào các hãng Luật bậc cao (như PP chẳng hạn) như thế nào? Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn như vậy hay không?

[Phước: Phuoc & Partners luôn mở rộng cánh cửa để chào đón các bạn sinh viên có thành tích học tập và tư duy pháp lý tốt. Tuy nhiên, do 85-90% khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Phuoc & Partners là các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài vì thế ngoại ngữ là một yêu cầu bắt buộc đối với các ứng viên khi gia nhập Phuoc & Partners vì trong giao tiếp, tư vấn đều sử dụng tiếng Anh chuyên ngành pháp lý.
Lời khuyên dành cho các bạn chưa tốt về ngoại ngữ là hãy cải thiện ngoại ngữ của mình càng nhanh càng tốt, chí ít cũng phải củng cố trước 2 kỹ năng ngoại ngữ mà nghề luật yêu cầu là đọc và viết tiếng Anh, sau đó dần dần rèn luyện kỹ năng nghe nói. Về tiếng Anh pháp lý thì các bạn sinh viên có thể rèn luyện và tích lũy trong quá trình làm việc.]

Thứ ba: Anh có thể chia sẻ một chút về các công việc mà các bạn sẽ đảm nhận trong các hãng Luật sau khi được tuyển dụng? Các khó khăn mà các bạn sẽ đối mặt là gì?

[Phước: Thông thường các bạn sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng ở các vị trí trợ lý luật sư. Các công việc chủ yếu các bạn phải thực hiện ở vị trí này là:
- Tra cứu các văn bản pháp lý về các vấn đề được luật sư yêu cầu;
- Soạn thảo các tài liệu pháp lý theo yêu cầu của luật sư;
- Chuẩn bị hồ sơ vụ kiện cho luật sư tranh tụng;
- Đại diện khách hàng thực hiện các công việc pháp lý theo yêu cầu của luật sư; và
- Các công việc chuyên môn khác.

Các khó khăn mà các bạn sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt:
- Tồn tại sự “chênh” giữa các kiến thức được đào tạo và thực tiễn áp dụng;
- Thiếu kinh nghiệm để đánh giá vấn đề và hiểu được vấn đề của khách hàng;
- Phải làm việc liên tục trong thời gian dài và dưới áp lực cao; và
- Các kỹ năng hành nghề còn hạn chế: viết lách còn chậm, văn phong chưa chuẩn mực, tư duy pháp lý chưa được rèn giũa;
- Một số kỹ năng mềm chưa có, ví dụ như kỹ năng xếp hồ sơ, photo, đánh máy….].

Thứ tư: Theo anh, làm việc cho các hãng Luật thì có gì khác so với việc làm pháp chế cho các doanh nghiệp?

[Phước: Trước tiên phải khẳng định rằng đây là hai môi trường làm việc có tính chất rất khác nhau. Cụ thể là khi làm ở các hãng luật, các bạn sinh viên mới tốt nghiệp sẽ làm việc trực tiếp với các luật sư, các bạn phải thực hiện các công việc theo các tiêu chuẩn chất lượng cao và chính xác để cung cấp dịch vụ pháp lý tới khách hàng, có tính chất tư vấn giải pháp nhiều hơn là vấn đề tuân thủ. Ở giai đoạn đầu mới ra trường các bạn làm việc ở hãng luật thì tiến bộ nhanh hơn về chuyên môn pháp luật và nghiệp vụ hành nghề luật.
Trong khi đó, một số bạn mới tốt nghiệp làm pháp chế cho các doanh nghiệp mà chưa có người phụ trách pháp lý hoặc có nhưng các luật sư nội bộ này rất bận rộn thì bạn đó phải tự xây dựng và hình thành các kỹ năng để phục vụ công việc. Do vậy, thường thì các bạn sinh viên mới tốt nghiệp có độ chễ hơn về khả năng tiến bộ trong chuyên môn nghiệp vụ nhưng đổi lại các bạn làm pháp chế doanh nghiệp lại thu thập được nhiều vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp hơn.]

Thứ năm: Một vấn đề khá tế nhị, nhưng nhờ anh cho lời khuyên hoặc khuyến nghị mức lương mà các bạn sinh viên nên đàm phán trong quá trình ứng tuyển vào các hãng Luật.

[Phước: Trước tiên, mình có lời khuyên rằng ở giai đoạn mới ra trường các bạn sinh viên nên lấy mục tiêu trau dồi kỹ năng nghiệp vụ hành nghề luật lên trên hết. Các bạn cần tìm hiểu một cách tương đối về nơi mình muốn làm việc và khả năng các bạn được nơi bạn sắp làm việc đào tạo đến đâu. Trên cơ sở này các bạn cân đối lại với nhu cầu tài chính của mình để quyết định. Một con số về mức lương cụ thể thì mình không thể đưa ra được bởi vì nó sẽ là không đúng với tất cả các nhà tuyển dụng.
Mình nói như trên không đồng nghĩa với việc khuyên các bạn bỏ qua vấn đề đàm phán lương trong quá trình ứng tuyển. Bởi vì khi bạn được tuyển dụng thì đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng nhìn thấy khả năng thu lợi từ sức lao động của bạn trong ngắn hạn và/hoặc dài hạn.]

Một lần nữa cám ơn anh Phước. Chúc anh một ngày làm việc thật vui. 

Thông tin thêm: Luật sư Nguyễn Hữu Phước là người sáng lập Công ty Luật Phuoc & Partners. Trong nhiều năm, Anh luôn được các tổ chức quốc tế và khu vực đánh giá là một trong những Luật sư uy tín bậc nhất tại thị trường Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.