Legal writing

Văn viết pháp lý (Legal writing – để giản tiện, sau đây gọi tắt là LW) là một trong những thứ đóng vai trò cực kì quan trọng, nhưng vì một lý do gì đấy, mà các trường đào tạo Luật ở Việt Nam lại không dạy [Tôi chưa có cơ hội tìm hiểu các trường ở miền Bắc, nếu khẳng định này sai, bạn vui lòng phản hồi giúp].

Mặt khác, trong thời đại ngày nay, sự phát triển của máy tính đã tác động không nhỏ đến môi trường và cách làm việc của Luật sư. Như vậy, dù muốn hay không thì bạn cũng bắt buộc phải chấp nhận rằng, các phần mềm soạn thảo văn bản [mà Microsoft Word là đại diện] là một công cụ không thể thiếu của các Luật sư trong quá trình hành nghề.

Trong quá trình làm việc, có nhiều bạn [Luật sư] soạn các văn bản pháp lý [Hợp đồng, Công văn, Thư…] một cách rất thân thiện [pleasant-looking]. Nhìn vào là muốn đọc ngay. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ soạn các văn bản này cực kì rối rắm [off-putting]. Hậu quả của điều này là gì?
Thẩm phán đọc các văn bản của bạn một cách chán nản.
Khách hàng và/hoặc thẩm phán hoặc các cơ quan chức năng không hiểu hoặc hiểu sai ý của bạn.
Kết cục đều là THẢM HOẠ.

Thật ra, một văn bản pháp lý rõ ràng, đủ ý và tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc cần có thời gian luyện tập nhiều [practice makes perfect], đặc biệt là cách hành văn. Để đạt được điều ấy, bạn nên hiểu một chút về các qui tắc và tự mình luyện tập trong tương lai. Có hai thứ làm cho văn bản của bạn thân thiện:
Hình thức; và
Cách hành văn.
Trong đó, hình thức là thức của văn bản là một trong những thứ mà bạn có thể sửa ngay. Mục tiêu của bài này giúp bạn có ý niệm ban đầu về hình thức của một văn bản pháp lý, trước hết là font chữ.

Hai loại font
Time New Roman là font chữ “thần thánh” của dân Luật. Chả biết từ khi nào, mà cứ mặc nhiên là dân tình xài Time New Roman, xài một cách vô tội vạ. Nhưng nếu bạn để ý xíu, bạn sẽ thấy font chữ mặc định của Microsoft Word là “Arial”. Chuyện gì đang xảy ra.
Bạn lưu ý có hai loại font chữ phổ biến với hai mục đích sử dụng khác nhau.
Font SERIF: Đôi khi người ta còn gọi là font CÓ CHÂN. Bạn để ý, các chữ nét mảnh, và có “chân đế”, nhìn chữ rất vững vàng.Font SANS: Bạn nhìn logo của Google bạn sẽ rõ. Đấy là font SANS. Đặc trưng là chữ tròn, bầu và KHÔNG CHÂN.
Qui ước mà font SERIF sẽ là font được dùng trong in ấn. Bạn phát hành thư tư vấn cho khách, nên dùng font này. Nó thể hiện tính trang trọng, vững chãi, phù hợp với nghề Luật sư. Trong khi đó font SANS thì thể hiện tính uyển chuyển. Đây là font chữ rất phù hợp cho môi trường web.

Mẹo nhỏ: Bạn truy cập vào vài trang web, bạn sẽ thấy tác dụng của sans liền. Có những trang web rất hay, nhưng đọc rất bực mình. Nhưng có những trang, chưa đọc gì đã thấy rất thân thiện. Vì sao? Một phần là vì font chữ đấy.
Tất nhiên, bạn có quyền chọn khác đi. Nhưng ngay cả khi chọn khác đi, bạn cũng nên biết về sự khác nhau giữa các font chữ.

Làm sao để biết font nào là SANS, font nào là SERIF
Đơn giản lắm, cứ đánh máy và phóng to lên cỡ chữ khoảng 50. Bạn sẽ thấy chữ CÓ hoặc KHÔNG CHÂN. Arial là font KHÔNG CHÂN [SANS], Time New Roman là CÓ CHÂN [SERIF].

Tìm font chữ
Google đã thực hiện một dự án rất tuyệt là Google fonts [https://fonts.google.com/]. Bạn tha hồ mà lựa chọn các loại font chữ mà mình thích một cách miễn phí.  Ngoài ra, bạn có thể nhờ thiết kế các font độc quyền cho mình, nếu muốn.
Để tránh việc gửi email mà người nhận không đọc được, tốt nhất nên chuyển định dạng file sang pdf nhé.

Nhận xét

Đăng nhận xét