Chuyển đến nội dung chính

Thành lập công ty con để bán: có trái luật?


Thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng nhiều doanh nghiệp thành lập công ty con để bán, chuyển nhượng dự án, đặc biệt là các dự án kinh doanh bất động sản cho các doanh nghiệp nước ngoài, tăng vốn điều lệ hoặc thậm chí là để tái cơ cấu nợ. Trong bối cảnh thành phố HCM vừa tiến hành truy thu thuế đối với các doanh nghiệp Phở 24, Hoàn Mỹ đã dấy lên lo ngại đây là một trong những thủ thuật trốn thuế. Sự thật có phải vậy không?


Việc công ty thành lập một công ty con hình dung một cách đơn giản tựa như chuyện của một cây lớn. Theo thời gian, cây ngày càng lớn thì gốc cây nẩy ra cây con. Như vậy, xuất phát điểm lúc đầu, cây con có nguồn gốc từ cây mẹ. Tuy vậy, sau khi nẩy ra từ cây mẹ, cây con lại phát triển một cách độc lập. Mối liên kết giữa cây mẹ và cây con chỉ còn là mối liên kết giữa các rễ cây của cây mẹ và cây con mà thôi.


Theo thời gian, cây mẹ và cây con có thể vẫn ở chung. Từ chỗ lúc đầu chỉ có một cây, lúc này thành một bụi cây hoặc có thể cây con sẽ bị tách riêng thành một cây hoàn toàn độc lập và không có mối liên hệ nào với cây mẹ.

Nhìn từ góc độ pháp luật doanh nghiệp, tựa như từ cây mẹ nẩy ra cây con, công ty cũng có quyền thành lập ra các công ty con của mình bằng việc chuyển một phần quyền và nghĩa vụ cho công ty mới được thành lập. Nhóm công ty hay tập đoàn cũng từ đó mà ra. Thoạt nhìn, tập đoàn gồm nhiều công ty có mối quan hệ với nhau, nhưng về mặt pháp lý các công ty này là độc lập với nhau. Khi thành lập công ty con, nghĩa vụ của công ty mẹ là phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho các công ty này. Công ty mẹ mất quyền định đoạt đối với tài sản đã góp vốn. Việc chuyển giao tài sản từ công ty mẹ sang công ty con nhằm bảo đảm rằng tài sản của hai chủ thể này là độc lập với nhau.

Việc thành lập ra công ty con nhằm hai mục đích:


Một là: Giới hạn rủi ro cho công ty mẹ trong quá trình thực hiện các dự án. Trong bối cảnh các công ty có nhiều dự án hoặc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt là điều không tranh khỏi. Băng việc thành lập công ty mới và giao cho công ty này thực hiện chức năng kinh doanh trong ngành hoặc dự án, công ty mẹ cũng tự phân tách toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp mới được thành lập. Do vậy, nếu có rủi ro trong quá tình kinh doanh phát sinh trong  lĩnh vực mà doanh nghiệp mới  đảm nhận, người chịu rủi ro là doanh nghiệp mới mà không phải là công ty mẹ. Nhìn nhận từ góc độ quản trị rủi ro, việc thành lập công ty con có những khác biệt so với việc công ty mẹ phải tự mình kinh doanh đa ngành. Trong trường hợp cây mẹ có nhiều nhánh cây, trong trường hợp có một nhánh cây bị sâu bệnh, sâu bệnh có thể lây lan ra toàn bộ cả cây lớn. Trong khi đó, nếu cây con mới thành lập (sở hữu một dự án/ ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ lúc đầu) mà bị sâu bệnh, thậm chí là cây con có chết đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng gì đến cây mẹ. Nguyên lí này áp dụng trong pháp luật về công ty qui định: pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Chủ sở hữu không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân. 


Hai là: Thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quản trị. Bằng việc thành lập một doanh nghiệp mới, công ty mẹ buộc phải thiết lập một bộ máy quản lý riêng đối với công ty mẹ. Trong bối cảnh mảng kinh doanh cần phải tiến hành các biện pháp tái cấu trúc nhằm đáp ứng các thay đổi của thị trường hoặc điều kiện kinh doanh bị thay đổi, điều này càng trở nên cần thiết. Khi tiến hành các thay đổi về bộ máy quản lý, việc thay đổi  này có thể là tốt lên hoặc thậm chí là tệ hại. Nhưng dù có tác động tích cực hay tệ hại, một điều chắc chắn là quá trình tái cấu trúc hầu như không ảnh hưởng gì đến bộ máy nhân sự và quản trị tại công ty mẹ. 


Nhìn từ thực tế của Việt Nam hiện nay, phần nhiều các doanh nghiệp lớn đều hoạt động đa ngành. Các doanh nghiệp này tựa như một cây có nhiều nhánh. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế không có “gió bão” các doanh nghiệp này không cần quan tâm đến những nhánh cây nặng trĩu. Nhưng khi nền kinh tế gặp cơn sóng gió, việc một cây cao lớn lại có quá nhiều nhánh làm cho cây này có nguy cơ bị gãy đổ hơn so với một cây có ít nhánh. Do đó đặt ra yêu cầu thay đổi. Việc thay đổi này phải bảo đảm rằng cây doanh nghiệp phải trở nên “thon gọn” hơn. 


Lựa chọn tách các nhánh cây từ cây công ty lúc đầu và đem các nhánh này trồng thành những cây con là một giải pháp phù hợp. Khi tách các nhánh cây đem đi trồng thành những cây mới, chủ cây công ty (các cổ đông) có hai lựa chọn: (i) Cung cấp phân bón cho cả cây công ty mẹ và cả các cây con mới được hình thành từ các nhánh (ii) Từ bỏ các lĩnh vực ngành nghề mới bằng việc bán cho các nhà đầu tư khác. 


Nhìn từ góc độ mua bán doanh nghiệp, khi một doanh nghiệp muốn bán một mảng kinh doanh/ dự án doanh nghiệp buộc phải tách mảng kinh doanh này thành một doanh nghiệp độc lập. Trong trường hợp không tiến hành tách doanh nghiệp, khi tiến hành bán/ chuyển giao dự án cho bên thứ ba, các bên mua bán phải tiến hành rà soát toàn bộ tài sản cũng như nghĩa vụ của công ty bán. Việc phải rà soát này làm cho các bên trong quá trình mua bán mất nhiều công sức hơn. 


Với việc tách mảng kinh doanh thành một doanh nghiệp độc lập, sự khác biệt nằm ở chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động định giá doanh nghiệp cũng như xác định rõ nghĩa vụ trả nợ đối với bên thứ ba sau quá trình mua bán. Bởi vì về mặt pháp lý, đã có một công ty độc lập đang sở hữu dự án. Cái mà các bên mua bán chính là mua bán TOÀN BỘ công ty con sở hữu dự án này chứ không phải là mua MỘT PHẦN của công ty mẹ. 


Do đó, nhìn từ góc độ quản trị, việc thành lập các công ty con để tiến hành các biện pháp tái cấu trúc hay để bán cho bên thứ ba đơn thuần chỉ là một kĩ thuật quản trị. Nói cách khác không có vấn đề gì bất thường gì trong trường hợp này. Tuy vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, điều cần quan tâm chính là trong quá trình thành lập các công ty con, công ty liên kết có thể xuất hiện hiện tượng chuyển giá giữa các công ty trong nhóm công ty. Cái cầm kiểm soát (nếu có) chính là việc chuyển giá trong quá trình hoạt động sau này chứ không phải việc thành lập các công ty con. Vì như các phân tích trên, với việc thành lập mới này, nó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhìn từ góc độ quản trị rủi ro.  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.