Người đại diện và con dấu công ty


Một vụ kiện xảy ra ở Đồng Nai. Theo đó, một người được tòa án tuyên là có quyền quản lí công ty nhưng trong bản án lại không đề cập đến chuyện bàn giao lại con dấu cho người quản lí. Do đó cơ quan thi hành án chỉ thi hành việc bàn giao lại công ty cho người quản lí mà không thực hiện việc thu hồi con dấu với lí do tòa...không tuyên! Kết quả là người này không thực hiện được việc quản lí của mình vì không có con dấu.


Câu chuyện trên đề cập đến hai vấn đề là người đại diện và con dấu của công ty. Pháp luật công ty đã sử dụng hình ảnh pháp nhân (trong bài viết này pháp nhân hay công ty được sử dụng với cùng một nghĩa) làm xuất phát điểm cho các vấn đề có liên quan. Công ty là một con người do pháp luật tạo nên, độc lập với các ông chủ đã bỏ tiền để tạo ra nó. Pháp luật công ty phải làm chuyện này là bởi vì các ông chủ của công ty có quá nhiều mối quan hệ phức tạp, rối rắm với nhiều khoản chi tiêu khác nhau. Các tài sản của ông chủ về cơ bản được chia làm hai nhóm: tài sản tiêu dùng và tài sản đầu tư. Làm sao người ta biết hiện thời ông chủ đang tiêu xài tiền tiêu vặt của ông hay là tiền mà ông đã mang đi đầu tư. Cũng bởi vì lẽ đó mà pháp luật công ty mới buộc ông chủ phải tách bạch tài sản tiêu dùng và tài sản đầu tư. Để bảo đảm rằng khối tài sản mà ông chủ đầu tư không bị mất mát và bị tranh đoạt bởi những người khác, pháp luật công ty dùng tới khái niệm pháp nhân nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, một “con người” tưởng tượng ra đời, được qui ước rằng sẽ sở hữu cái phần tiền mà ông chủ đã mang đi đầu tư và chỉ chi tiêu khoản tiền này vào một mục đích duy nhất là mục đích kinh doanh. Con người công ty này về đại thể khác ông chủ của nó ở mấy điểm sau: (i) Con người công ty cũng có tài sản giống ông chủ nhưng tài sản này chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là kinh doanh mà không chi tiêu lung tung như ông chủ (ii) Con người công ty có nhiều mối quan hệ nhưng các mối quan hệ này suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh của nó mà thôi.


Mặc dù pháp luật công ty ban cho công ty có quyền sở hữu. Nhưng suy cho cùng cái mà con người công ty sở hữu có cội nguồn từ tài sản của ông chủ. Nói cho dễ hình dung nhiệm vụ của công ty là làm cái việc phân thân cái phần kinh doanh của ông chủ ra khỏi cái phần sinh hoạt bình thường mà thôi.


Cho nên về mặt lí thuyết thì có thể tưởng tượng được con người công ty. Nhưng khi đối mặt với các hoạt động thực tế thì cái con người công ty mang tính ước lệ kia lại không đi lại, nói năng gì được. Để giải quyết vấn đề này pháp luật công ty lại sản sinh ra khái niệm đại diện. Theo đó, một con người (lưu ý là con người bằng xương bằng thịt thật sự nhé)  sẽ thay mặt cho công ty để tiến hành các hoạt động cần thiết. Nói một cách hình tượng mối quan hệ giữa người đại diện và công ty cũng giống như mối quan hệ giữa người ngồi đồng và các vị thần vậy thôi. Theo đó, đã gọi là thần thánh thì người trần mắt thịt như chúng ta không thể nhìn thấy được. Cho nên thần thánh có nói gì mình cũng không nghe được. Giải pháp là thần sẽ nhập vào xác phàm của người ngồi đồng, mược cái thân xác trần tục kia để phát ngôn những lời thần thánh.


Bởi vậy, trên thực tế thì mọi hoạt động của công ty đều phải thông qua người đại diện. Nhưng tới đây lại nảy sinh thêm rắc rối khác. Bởi vì người đại diện của công ty dường như đang mang trong mình hai tư cách. Một là chính bản thân anh ta. Hai là dại diện cho công ty. Ai biết được rằng lúc nào anh ta đang phát ngôn, đang làm những việc với tư cách cá nhân, lúc nào là nhân danh công ty? Không làm rõ vấn đề này là không ổn tí nào. Bởi vì biết đâu người đại diện sẽ nhân cái sự mập mờ không rõ ràng này mà làm càn (ngôn ngữ luật hiện đại gọi là vượt quá phạm vi đại diện) hoặc có thể làm cho những người có liên quan có cảm giác không tin tưởng. Bởi vậy đây là lúc con dấu của công ty phát huy vai trò của nó. Mỗi công ty đều sẽ có một con dấu. Các giấy tờ giao dịch của công ty phải đóng dấu của công ty vào đó. Con dấu của công ty như chiếc khăn đỏ mà người ngồi đồng đội trên đầu. Chính chiếc khăn đỏ này nói cho những người mê tín dị đoan đang cầu xin thần thánh kia biết rằng người ngồi đồng nếu có nói gì trong lúc này chính là lời của thần thánh phán ra chứ không phải lời của anh ta. Ngôn ngữ luật nói rằng “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức” là như vậy.

Từ đây pháp luật công ty cần phải làm thêm một việc nữa để hoàn chỉnh cho ý niệm con người công ty đó là qui định mối quan hệ giữa người đại diện và con dấu. Theo đó, vai trò của người dại diện là thay mặt cho công ty. Nói cho dễ hiểu, người này nói gì, làm gì người ta sẽ mặc nhiên hiểu là công ty đang nói [Cách nói của luật sư Nguyễn Ngọc Bích]. Sau này công ty không được chối. Nhưng để tránh sự nhập nhằng về tư cách cá nhân và tư cách thay mặt cho công ty khi nhân danh công ty, các giấy tờ giao dịch mà người đại diện kí phải thể hiện rõ là họ đang thay mặt công ty và phải đóng dấu của công ty vào. Thiếu một trong hai yếu tố trên là không được. Người  không có quyền đại diện mà có kí tên và đóng cả chục con dấu vào văn bản thì cũng không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu người đại diện kí tên phát hành các văn bản mà không đóng dấu của công ty các bên liên quan sẽ không chịu, họ sẽ nghi ngờ về việc đại diện của anh [Pháp luật của Việt nam chưa thể hiện được một cách minh thị là trong trường hợp văn bản, giả sử như hợp đồng do người đại diện kí mà không đóng dấu thì hợp đồng này có vô hiệu hay không.]. Cho nên cách tốt nhất là phải có cả hai. Cũng từ mối quan hệ khắng khít giữa người đại diện và con dấu nên để giản tiện luật qui định luôn người đại diện thì quản lí con dấu. “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật” (Điều 36 luật doanh nghiệp).


Trở lại câu chuyện được đề cập ở đầu. Người được giao quyền đại diện quản lí công ty thì lại không có con dấu mà người không có quyền đại diện thì lại giữ con dấu. Tất nhiên người này không thể làm gì được với con dấu kia, nhưng trái ngang là họ vẫn cứ muốn giữ. Điểm vô lí của bản án là ở chỗ quyền quản lí, đại diện về mặt luật học luôn gắn liền với con dấu. Nhưng sự sai sót không đáng có này lại làm cho mối quan hệ này bị đoạn lìa. Điều này cũng giống như giao cho người ta cái thẻ ATM mà lại đưa mật khẩu cho người khác. Kết quả là cả hai không ai làm gì được.Trong công tác thi hành án, cơ quan thi hành án đã lựa chọn một giải pháp khôn ngoan với cái lí lẽ tòa không tuyên nên không thi hành, nhưng nếu nhìn nhận ở tính thuyết phục thì câu trả lời này chưa đủ thuyết phục. Bởi vì trong các quyền của người đại diện thì còn bao hàm cả quyền quản lí và sử dụng con dấu được pháp luật ghi nhận. Việc thi hành bản án về bàn giao quyền quản lí công ty mà không bao hàm cả con dấu là một việc làm phiến diện! 


Người đại diện có quyền yêu cầu cấp dấu mới khi con dấu của công ty bị mất. Nhưng ác nỗi con dấu trong trường hợp này không bị mất. Do đó, việc thông báo mất dấu và xin cấp lại dấu khác chưa hẳn sẽ được chấp thuận từ phía cơ quan công an.

Nhận xét

  1. Xin hỏi thêm về "trường hợp chữ ký phô tô và con dấu đỏ" thì giá trị pháp lý này ntn bên cạnh "trường hợp chỉ có chữ ký nhưng không có con dấu"? Hiện có rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn ký chữ ký sống chỉ 01 bản sau đó phô tô nhiều bản rồi đóng dấu đỏ ban hành. Khi có tranh chấp phát sinh thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thừa nhận giá trị của "Văn bản có chữ ký phô tô và con dấu đỏ"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra, ra toà thì có nhiều thứ và nhiều cách để "chứng minh". Nó là một chủ đế rất rộng. Liên quan đến chữ kí, thầy nghĩ các hành vi như em trình bày, xét ở góc độ pháp lý là không cẩn trọng.

      Xóa

Đăng nhận xét