Chuyển đến nội dung chính

Hợp đồng có cần điều khoản bất khả kháng?

“Sự kiện bất khả kháng có nghĩa là tất cả những sự kiện vượt khả năng kiểm soát của Các Bên, không thể biết trước được, không có sẵn và không thể khắc phục được xảy ra sau ngày đặt hàng làm cản trở toàn bộ hay một phần việc thực hiện nghĩa vụ của bất cứ Bên nào. Những sự kiện này bao gồm động đất, bão lớn, lũ lụt, hoả hoạn, chiến tranh và những hành động của Chính phủ hoặc công chúng, bệnh dịch, nổi loạn, đình công và bất cứ sự kiện nào không thể biết trước, không thể ngăn cản hoặc kiểm soát được, bao gồm những sự kiện được xác định là sự kiện bất khả kháng theo tập quán thương mại chung của Việt Nam”

Trên đây là điều khoản qui định về bất khả kháng trong một hợp đồng mua bán hàng hóa. Với tính chất là một trong những cơ sở miễn trách nhiệm, điều khoản bất khả kháng ngày càng được sự quan tâm lớn và hầu như là một điều khoản không thể thiếu trong các hợp đồng. Có hai chuyện cần làm rõ xoay quanh qui định này:

Một là: Có phải cứ qui định về bất khả kháng như trên, khi các điều kiện như động đất, núi lửa, đình công...xảy ra thì coi đó là bất khả kháng và bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm?
Hai là: Hệ quả của bất khả kháng là gì? Pháp luật của hầu hết các nước đều ghi nhận một nguyên tắc phổ biến, theo đó khi xảy ra sự kiện bất khả kháng bên vi phạm được miễn trách nhiệm bồi thường/ phạt vi phạm. Nhưng sự kiện bất khả kháng có đương nhiên làm cho hợp đồng tự động chấm dứt hay các bên vẫn phải thực hiện hợp đồng đã giao kết? 

THẾ NÀO LÀ SỰ KIỆN MẤT KHẢ KHÁNG?
Bản chất của hợp đồng là một sự thỏa thuận tự nguyện. Nói cách khác, lợi ích của hợp đồng mang lại chính là động lực thúc đẩy các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Một khi đã giao kết hợp đồng tự nguyện, các bên phải chịu trách nhiệm đối với những gì mình đã thỏa thuận. Do vậy hệ quả nếu một bên có hành vi bội ước (vi phạm hợp đồng) sẽ bị chế tài.
Nhưng trên thực tế, có những sự kiện mà các bên hoàn toàn không ngờ đến khi giao kết hợp đồng. Khi xảy ra sự kiện, họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể nào ngăn chặn được. Sự kiện này làm cho một bên trong hợp đồng không thực hiện được nghĩa vụ với bên kia. Hệ quả là một bên trong hợp đồng bị thiệt hại!

Bên gây ra thiệt hại, sẽ phải chịu trách nhiệm với bên còn lại trong hợp đồng. Vì bên gây thiệt hại được xác định là có lỗi. Nguyên lí là như vậy. Nhưng trong trường hợp này, vấn đề đã trở nên khác một chút. Vì khi giao kết hợp đồng cả hai bên hoàn toàn không lường trước sẽ xảy ra một sự kiện như vậy. Đồng thời, họ đã thực hiện một cách để ngăn ngừa thiệt hại. Nói như thế để thấy rằng, cho dù là bất cứ ai ở trong hoàn cảnh như vậy cũng không thể khắc phục được. 

Hội tụ cả hai điều này, để thấy thiệt hại xảy ra là hoàn toàn ngoài ý muốn của các bên. Nếu như bên bị thiệt hại “bắt đền” bên kia của hợp đồng thì oan ức quá! Pháp luật ghi nhận các sự kiện như vậy dưới tên gọi “sự kiện bất khả kháng”. Nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng thì không phải bồi thường.

Việc miễn trách nhiệm này xuất phát từ nguyên lí công bằng, ai ở vào trong hoàn cảnh này (bất khả kháng) cũng đều không ngăn chặn được. Nhưng việc áp dụng bất khả kháng sẽ dẫn đến thiệt hại của một bên không đòi được. Nhằm tránh việc trục lợi và bảo đảm trật tự của hợp đồng, việc áp dụng qui định về bất khả kháng được cơ quan xét xử (tòa án hoặc trọng tài) được tiến hành một cách cẩn trọng. Theo đó, tòa án/trọng tài sẽ xác định bản chất của hành vi này:
Có phải là sự kiện không thể tiên liệu được
Các bên đã làm mọi cách mà không khắc phục được

Nói cách khác, việc xác định sự kiện bất khả kháng sẽ được nhìn nhận trong từng hoàn cảnh cụ thể.  Cần phải thấy rằng, việc xác định này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận về bất khả kháng hay không. Cho dù các bên thỏa thuận các  sự kiện 1, 2...là sự kiện bất khả kháng thì không có nghĩa là sự kiện đó sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng mà cơ quan xét xử sẽ coi sự kiện các bên thỏa thuận có đáp ứng hai tiêu chí của một sự kiện bất khả kháng hay không. Cũng như trong trường hợp các bên hoàn toàn không thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng, thì tòa án/trọng tài vẫn xem xét cho hưởng miễn trách nếu sự kiện gây ra thiệt hại đáp ứng các tiêu chí của bất khả kháng.

MIỄN TRÁCH NHIỆM, RỒI SAO NỮA?
Như trên đã đề cập, kết quả của bất khả kháng là sẽ miễn trách nhiệm cho các thiệt hại xảy ra. Rồi sao nữa? Một hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên bán có nghĩa vụ phải giao hàng cho bên mua trong thời hạn một tháng. Nhưng vì tàu chở hàng của bên bán gặp bão, chìm tàu cùng với hàng hóa. Kết quả bên bán không thể giao hàng cho bên mua. 

Sự kiện chìm tàu là bất khả kháng. Việc chậm giao hàng sẽ không truy cứu trách nhiệm. Nhưng bên bán có phải tiếp tục giao hàng không? Qui định về sự kiện bất khả kháng là nhằm miễn trách nhiệm cho bên gây thiệt hại trong hợp đồng về việc không thực hiện hợp đồng. Nhưng luật hợp đồng không coi bất khả kháng là căn cứ chấm dứt hợp đồng.
Do vậy, cần phân biệt bất khả kháng với góc độ là căn cứ miễn trách nhiệm và các căn cứ chấm dứt hợp đồng. Pháp luật chia sẻ với bên vi phạm hợp đồng vì lí do đặc biệt của hoàn cảnh. Nhưng pháp luật cũng phải tôn trọng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng (đã được các bên giao kết tự nguyện). Vì vậy, khi sự kiện này đã qua, bên vi phạm phải thực hiện hợp đồng với bên còn lại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Case Study: Phong cách viết của Luật sư In-house

  Phê tê bút hoặc tại các Hội thảo, người ta hay nói Luật sư chuyên nghiệp và Luật sư In-house rất khác nhau. Vấn đề là ít người nói cho bạn nghe khác nhau là khác thế nào. Ôi thì có tám vạn bốn ngàn hai trăm sáu mươi bảy cái khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi kể bạn nghe một sự khác nhau rất thú vị và có lẽ là lớn nhất giữa hai nghề này: Phong cách viết. Diễn đạt thì dài dòng, tôi dùng một case nhỏ để bạn dễ hình dung vậy.

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.