Sau gần
nửa năm nhận khoản đầu tư từ VinaCapital, Công ty CP Ba Huân vừa có văn bản
“kêu cứu” nhờ hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, bà Phạm
Thị Huân, giám đốc Công ty CP Ba Huân, cho biết đầu năm 2018 đã nhận được đề
nghị hợp tác đầu tư từ VinaCapital “nhằm nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc
tế”. Quỹ này đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng tiếng Anh để hai
bên ký kết. Dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh - Việt
nhưng hai bên mới ký thỏa thuận bằng tiếng Anh.
[Báo Tuổi Trẻ ngày 6/8/2018]
Có nhiều người sẽ cảm thấy cực kì khó hiểu khi đọc câu chuyện
này. Một giao dịch có giá trị vài chục triệu Mỹ kim mà Ba Huân lại không biết và/hoặc
không hiểu tiếng Anh. Cách đây vài năm, người viết được biết một chuyện khá buồn
cười là một DN hẳn to của Việt Nam, ra toà xin tuyên hợp đồng vô hiệu với lý do
là họ … không biết tiếng Anh!
Buôn có bạn, bán có phường. Trong nhiều năm, doanh nghiệp
Việt Nam buôn bán trong cái ao làng, ít cạnh tranh. Điều tiết luật chơi giữa các
bên không phải là luật lệ mà thói quen, là uy tín trong cộng đồng và chữ tín. Tư
duy chín bỏ làm mười làm cho các thoả thuận trở thành thứ không được ưu tiên trong mối quan hệ kinh doanh tại Việt Nam.
Bối cảnh thay đổi, luật chơi cũng phải thay đổi.
Nhưng điều quan trọng tư duy của một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thích ứng theo
sự thay đổi thời thế đó. Vấn đề pháp lý của vụ này không khó, Ba Huân và những doanh
nghiệp tương tự sẽ phải trả giá cho sự chủ quan và/hoặc coi thường khía cạnh pháp
lý của họ. Đã thoả thuận, là phải tuân thủ. Hệ quả của tự nguyện xác lập Hợp đồng
chính là sau khi xác lập hợp pháp, nó sẽ trở thành luật để cương toả các bên trong
thoả thuận đó.
Nhưng cũng có vài vấn rút ra được từ vụ này:
Một là: Trong nhiều năm, tình trạng “cầu cứu” kiểu này không hiếm.
Ở một khía cạnh nào đó, nó phản sự can thiệp quá sâu của hành chính vào hoạt động
kinh doanh. Cùng với sự mở rộng các Hiệp định thương mại song và đa phương, việc
can thiệp này tạo ra các hệ quả nguy hiểm. Cùng là sự can thiệp của hành chính và
thương trường, nhưng cách làm của Việt Nam đang làm và Trung Quốc, đó là sự khác
biệt lớn về đẳng cấp, tư duy quản lý và chiến lược cạnh tranh toàn cầu. Sự can thiệp
hành chính [minh thị hay mặc thị] mang tính sự vụ [nếu có], chỉ tạo nên sự bất công
mà không giải quyết được bất kì một yêu cầu nào về tư duy quản lý. Xa hơn, phải
chăng việc “cầu cứu” này phản ánh những quan hệ thân hữu nào đó giữa một vài doanh
nghiệp và một vài nhà cầm quyền? Suy luận này, nếu có cơ sở để phỏng đoán, nó sẽ
phá hỏng những cố gắng thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên bản
đồ những điểm đến cho dòng đầu tư quốc tế. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!
Hai là: Sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp Việt Nam là chưa đầy
đủ. Những định hướng lớn và sự đầu tư nghiêm túc cho các chường trình hỗ trợ thương
mại là còn quá hạn chế. Hãy nhìn những Triễn lãm và/hoặc hội chợ mà người Thái tổ
chức ở Việt Nam, để có thể rút ra kết luận. Trong những ngày lang thang ở Châu Âu,
tôi nhận ra các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh giỏi, ý tưởng thú vị. Nhưng đâu
đó, họ vẫn bị trói chân ở một góc nhỏ trên bản đồ thế giới mà ít khi có cơ hội bước
ra khỏi biên cương của rẻo đất hình chữ S. Những cuộc tranh doạt thị trường sẽ là
rủi ro và tuyệt vọng nếu hành trang ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt tiền thì
ít, thông tin không có [đầy đủ], sự hậu thuẫn từ Nhà nước thì…!
Đó mới là vấn đề cần bàn. Còn chuyện của Ba Huân cũng chỉ
đơn thuần là một tranh chấp thương mại thuần tuý. Hãy để Toà án hoặc trọng tài xử
lý theo đúng những gì mà họ đã thoả thuận, cô Huân nhỉ!.
Nhận xét
Đăng nhận xét